MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nên nhìn vụ kiện đơn giản như là cách giải quyết mâu thuẫn - Ảnh minh họa (Nguồn: Phamlaw)

Thiệt thòi thì kiện, tưởng đơn giản mà khó vô cùng!

Ngọc Minh LDO | 05/06/2017 10:33
“Đôi lúc tôi ngồi nghĩ lại mọi chuyện, giá lúc đó, tôi đừng kiện, đừng khiếu nại gì công ty hết. Lẳng lặng nghỉ việc rồi nộp đơn xin vào một công ty khác, có lẽ như vậy sẽ tốt hơn” – chị thở dài khi đi đâu xin việc, chị cũng bị đánh rớt với lý do “từng đi kiện công ty cũ”.

Không như những người khác khi vào công ty đều có người đỡ đầu, chị vào công ty thông qua thi tuyển. Cách đây 10 năm, chị bắt đầu công việc của mình từ vị trí một nhân viên bình thường, sau những nỗ lực không ngừng, chị được cất nhắc lên trưởng nhóm rồi phó phòng kinh doanh. Ba năm trước, một chi nhánh của công ty ở Cần Thơ làm ăn thua lỗ triền miên, ban giám đốc mời chị lên trao đổi, đề nghị chị về phụ trách chi nhánh. Nếu trong vòng một năm, tình hình kinh doanh của chi nhánh cải thiện, công ty sẽ bổ nhiệm chị làm Phó giám đốc, phụ trách chi nhánh này.

Chị bảo, thú thực lúc đó, không phải vì ham cái chức phó giám đốc mà chị nhận lời, chị nhận lời vì cái tính thích thử thách của mình, chỗ nào khó khăn, công ty cần thì chị đi. Hơn nữa, có khó khăn mới biết được năng lực của mình đến đâu, nên chị không ngần ngại mà nhận lời ngay. Sau một năm, tình hình kinh doanh của chi nhánh Cần Thơ được cải thiện rõ rệt, từ vị trí chót bảng xếp hạng toàn công ty, năm 2015, chi nhánh được đánh giá là đơn vị tiên tiến. Nhiều người mừng cho chị sắp được lên chức. Nào ngờ, chính cái kết quả tiên tiến này đã hại chị khi một người khác đã “dòm ngó” cái vị trí của chị.

Sau một năm xa chồng xa con, dốc lòng dốc sức để đưa chi nhánh phát triển, chị lại được điều về thành phố để phụ trách một văn phòng mới mở, với lời giải thích “Công ty không thể để chị sống xa gia đình nên tạo điều kiện để chị về gần nhà”. Dù hụt hẫng nhưng chị vẫn chấp nhận quay về, gầy dựng lại từ con số 0.

Mọi thứ không hề dễ dàng đối với chị khi người nhà của tổng giám đốc lại muốn thế chân chị ở văn phòng mới. Để dễ dàng đẩy chị ra khỏi công ty, họ thành lập ban kiểm tra, kiểm tra văn phòng đột xuất, kỷ luật chị lỗi quản lý. Chị khiếu nại, công ty hủy quyết định kỷ luật lần một, tiếp tục kỷ luật lần hai. Trong thời gian bị kỷ luật, chị bị điều chuyển về tổng công ty làm nhân viên phòng kinh doanh.

Chị bảo, chị chẳng hiểu mình đã làm gì sai, luôn nỗ lực hết sức mình để làm việc nhưng cuối cùng mọi thứ lại trở về vạch xuất phát. Ấm ức vì chịu nhiều thiệt thòi, chị làm đơn khiếu nại lên phòng lao động, công đoàn, rồi ra tòa, hai phiên sơ thẩm, phúc thẩm. Vụ việc của chị kéo dài hàng năm trời, chị căng thẳng phải nhập viện điều trị tâm lý, tiền bạc hao mòn… Kết quả, chị không đòi được lại vị trí, chức vụ mà chị đã có, những nỗ lực 10 năm làm việc của chị cũng chẳng được ghi nhận mà trái lại, khi nhắc đến chị, nhiều người chỉ nói về chị là một người… thích đi kiện!

Chị nộp đơn xin nghỉ việc. Thế nhưng, dù đã nghỉ việc, rắc rối lại không buông tha. Nơi nào chị nộp hồ sơ, họ cũng gọi điện về công ty cũ hỏi về quá trình công tác, tất nhiên, chẳng ai lại đi nói tốt cho chị.

Chị cười nhưng khuôn mặt chẳng vui: “Hồi còn đi làm, thấy bạn bè chịu thiệt thòi, mình khuyên nên đi kiện để đòi công bằng nhưng giờ nghĩ lại, đó không phải là lựa chọn hay. Nhiều chủ doanh nghiệp, nhiều người tuyển dụng, họ không quan tâm đến nội dung vụ kiện, chỉ cần biết mình từng đi kiện công ty, thế là họ không tuyển. Không phải như ở nước ngoài, kiện và bị kiện là một chuyện rất bình thường để giải quyết mâu thuẫn. Ở mình, đưa nhau ra tòa là chuyện rất ghê gớm. Bây giờ, điều an ủi duy nhất đối với tôi là sau vụ việc của tôi, công ty hành xử đàng hoàng hơn với những người ở lại, không phải cứ thích chèn ép ai là làm như trước”. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn