MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bài học về phát huy dân chủ trong chăm lo người lao động mùa dịch COVID-19

Lục Tùng LDO | 11/09/2021 15:25

Phát huy dân chủ không chỉ thúc đẩy chăm lo người lao động chính xác, nhanh chóng mà còn nâng tầm vị thế của CĐCS...

Với quyết tâm kịp thời chăm lo người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19, ngay sau kỳ nghỉ lễ, LĐLĐ tỉnh An Giang đã triệu tập cuộc họp Ban Thường vụ bàn giải pháp tháo gỡ các khó khăn. Trong đó có khó khăn trong việc xét hỗ trợ F1 theo Quyết định 2606 của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Thiện Phú chủ trì cuộc họp bàn giải pháp tăng cường chăm lo người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Ảnh: LT

Cũng như nhiều LĐLĐ nhiều tỉnh, LĐLĐ tỉnh An Giang gặp khó trong việc xét hỗ trợ đoàn viên là cán bộ, công chức, viên chức là F1. Bởi theo Quyết định 2606, đối tượng thuộc diện này phải có hoàn cảnh khó khăn. Trong khi đó, khái niệm, tiêu chí “hoàn cảnh khó khăn” khá phức tạp...

Sau khi nhiều CĐCS trực thuộc LĐLĐ tỉnh và LĐLĐ cấp huyện liên tục liên lạc tìm hiểu, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh An Giang đã giao Ban Chính sách - Pháp luật và Quan hệ lao động soạn thảo tiêu chí, hướng dẫn cho các cấp Công đoàn thực hiện. Tuy nhiên, cũng giống như quy định về mặt hàng thiết yếu, bộ tiêu chí đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, dù được biên soạn công phu, nhưng vẫn không thỏa hết thực tế sinh động của từng cảnh đời. Vì thế, văn bản hướng dẫn gửi đi, nhưng hàng ngày vẫn nhận được những cuộc điện thoại xin ý kiến với trường hợp a,b,c....

Bà Nguyễn Lê Linh Châu - Trưởng ban Tuyên giáo - Nữ công phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: LT

Trước tình hình đó, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Thiện Phú đã có quyết định rất hợp lý: Huy động trí tuệ tập thể để tìm ra cách xử lý.

Tại cuộc họp, xuất hiện nhiều ý kiến, thậm chí trái chiều. Có ý kiến cho rằng khi bị thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 trong thời gian dài, nhiều người đều gặp khó nên đoàn viên cũng khó khăn. Hay có ý kiến đề xuất căn cứ vào thu nhập thực tế, gia cảnh cha mẹ già, con nhỏ... để xác định. Tuy nhiên, cũng có ý kiến phản biện, khi cho rằng, việc giảm thu nhập chỉ là tạm thời, chưa hẳn làm tất cả đoàn viên, người lao động bị khó khăn. Riêng với tiêu chí cha mẹ già, con nhỏ... vô tình loại bỏ người độc thân, ở trọ... 

Sau khi nghe các ý kiến bàn thảo, ông Phú nhận xét, các ý kiến có thể khác nhau về góc nhìn, nhưng tất cả đều có điểm chung: Cần phải có tiêu chí để đảm bảo xét đúng người, không bỏ ai lại phía sau, nhưng cũng không để chính sách bị lợi dụng...

Ông Nguyễn Thiện Phú trao hỗ trợ cho đại diện đoàn viên, người lao động bị nhiễm dịch COVID-19 tại huyện Châu Thành. Ảnh: LT

 “Mỗi nhà mỗi cảnh, vì thế sẽ không có quy định nào bao trùm, đáp ứng thực tiễn sinh động nếu cơ quan cấp trên tự xây dựng tiêu chí rồi áp xuống. Trong khi đó, đoàn viên đang rất cần được hỗ trợ” - ông Phú nhấn mạnh – “Vì thế trên cơ sở tổng hợp các ý kiến, tôi đề xuất nên mạnh dạn giao cho CĐCS tại cơ quan, đơn vị của các đối tượng xác nhận. Trên cơ sở đó, chúng ta xét duyệt”.

Bày tỏ sự đồng tình, ông Trần Lưu Phong - Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật và Quan hệ lao động chia sẻ: “Chỉ đạo này không chỉ thúc đẩy vấn đề chính xác hơn, mà còn góp phần nâng tầm vị thế tổ chức CĐCS trong mắt thủ trưởng cơ quan, đơn vị và đoàn viên, người lao động”. Hơn thế nữa, nó còn gợi mở và nhân rộng trong bối cảnh các địa phương, ban ngành đang tất bật chạy đua với các quy định đưa chủ trương, chính sách an sinh sớm đi vào cuộc sống

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn