MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

LĐLĐ TPHCM và tỉnh An Giang trao đổi kinh nghiệm xử lý quan hệ lao động

Lâm Điền LDO | 24/11/2022 18:10
An Giang -  LĐLĐ tỉnh An Giang tổ chức buổi trao đổi kinh nghiệm với LĐLĐ TPHCM trong việc xử lý những vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động.

Chiều 24.11, tại TP. Long Xuyên, LĐLĐ tỉnh An Giang phối hợp cùng LĐLĐ TP. Hồ Chí Minh trao đổi kinh nghiệm xử lý những vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động.

Gần 50 đại biểu là lãnh đạo các ban chuyên môn, LĐLĐ cấp huyện có nhiều cơ sở sản xuất quy mô và CĐCS các doanh nghiệp trực thuộc LĐLĐ tỉnh tham dự.

Ông Nguyễn Thiện Phú, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang và ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP. Hồ Chí Minh chủ trì buổi trao đổi.

Quang cảnh buổi chia sẻ kinh nghiệm xử lý những vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động do LĐLĐ tỉnh An Giang tổ chức. Ảnh: Lâm Điền

Phát biểu mở đầu, ông Nguyễn Thiện Phú, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang cho biết, do An Giang có quy mô lao động không lớn, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về xử lý những vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động nên đã chủ động liên hệ nhờ LĐLĐ TP.HCM, nơi có diễn biến phong phú về quan hệ lao động… hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm. Nhất là trong bối cảnh được dự báo tới đây quan hệ lao động tiềm ẩn nhiều điều phức tạp.

Đây được xem như hoạt động thiết thực tạo điều kiện cho cán bộ Công đoàn cùng nghiên cứu, trao đổi, thảo luận chia sẻ kinh nghiệm thực tế về vai trò của tổ chức Công đoàn đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động. Nhất là trong các khu vực doanh nghiệp có quan hệ phức tạp… Qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị về  “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.  

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Thiện Phú phát biểu gợi ý tại buổi trao đổi kinh nghiệm xử lý quan hệ lao động. Ảnh: Lâm Điền

Với mục tiêu đó, ông Phú đặt ra 3 nội dung trao đổi, gồm: Kinh nghiệm trong đối thoại; Thương lượng ký kết thoả ước lao động tập thể; giải quyết tranh chấp lao động, đình công, lãn công.

Lần lượt  các ông Phạm Chí Tâm – Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM, Nguyễn Thành Đô - Uỷ viên Thường vụ, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật, Trần Văn Triều – Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (LĐLĐ TP.HCM), tham gia báo cáo, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn. Các báo cáo nhấn mạnh đến công tác đối thoại và xem đây như “chìa khoá” tạo ra sự ổn định trong quan hệ lao động.

Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP.HCM Trần Đoàn Trung chia sẻ tại buổi trao đổi. Ảnh: Lâm Điền

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả này, cần phải mở rộng nội dung, phương thức hoạt động của công tác  đối thoại.

Theo đó, đối thoại là cơ hội người lao động và người sử dụng lao động gặp nhau để đóng góp sáng kiến cho công việc, nội dung mà doanh nghiệp cần. Và đây cũng là dịp để người lao động và người sử dụng lao động chia sẻ, thấu hiểu nhau về đời sống, việc làm và thị trường, kinh doanh...

Làm được điều này như bắc nhịp cầu để hai bên hiểu được khó khăn của nhau, từ đó dễ dàng chia sẻ…  Kinh nghiệm cho thấy, nếu chia sẻ tốt, có nơi người lao động chấp nhận làm không nhận lương với mục đích chia sẻ khó khăn.

Nhiều trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thiết thực giữa LĐLĐ TPHCM và An Giang. Ảnh Lâm Điền

Các báo cáo cũng nhấn mạnh đến việc đổi mới phương thức, nội dung hoạt động chăm lo, bảo vệ người lao động của cán bộ Công đoàn chuyên trách.

Bên cạnh đó, thành lập nhóm Zalo để trao đổi nhanh và phát huy vai trò Tổ công nhân tự quản tại khu nhà trọ để nắm thông tin về tâm tư, nguyện vọng người lao động mà nhiều lúc qua kênh chính thống chưa thể nói, đủ thời gian giải bày được…  

Dịp này, các đại biểu cũng đặt ra câu hỏi về tình huống cụ thể và nhận được câu trả lời thấu đáo làm kinh nghiệm cho công tác Công đoàn trong thời gian tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn