MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
CNLĐ nhận nhu yếu phẩm tại "Siêu thị 0 đồng" do LĐLĐ tỉnh Bắc Giang tổ chức. Ảnh: Hà Anh

Bắc Giang tăng hơn 35.000 CNLĐ so với trước khi có dịch COVID-19

Hà Anh LDO | 23/10/2021 17:14

Bắc Giang -  Ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Công đoàn đã phối hợp cùng chính quyền, đồng hành với doanh nghiệp vận động công nhân lao động (CNLĐ) trở lại làm việc và khôi phục, thúc đẩy phát triển sản xuất. 

Ông Nguyễn Văn Cảnh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang cho biết, dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã làm cho tất cả các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, gần 200.000 CNLĐ phải nghỉ việc. 

Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã cho phép các doanh nghiệp đủ điều kiện an toàn về phòng chống dịch được hoạt động trở lại. Trong bối cảnh đó, Công đoàn đã phối hợp cùng chính quyền, đồng hành với doanh nghiệp vận động người lao động trở lại làm việc và khôi phục, thúc đẩy phát triển sản xuất.

Theo đó, các cấp công đoàn trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong CNLĐ, lắp đặt 1.500 pano và hàng nghìn áp phích tuyên truyền, hướng dẫn NLĐ các biện pháp phòng dịch tại nơi làm việc và tại các khu nhà trọ. Kịp thời thông tin và động viên người lao động quay trở lại doanh nghiệp làm việc, yên tâm ở lại doanh nghiệp và khẳng định với CNLĐ rằng ở lại doanh nghiệp vừa có việc làm, vừa có thu nhập và an toàn hơn một số khu dân cư là trọng điểm dịch trước đây. 

Tích cực tuyên truyền về sản xuất an toàn gắn với phòng chống dịch, như: “Công nhân an toàn - Giao thông an toàn - Doanh nghiệp an toàn - Sản xuất an toàn”. Yêu cầu CNLĐ lên đúng xe buýt, ngồi đúng ghế quy định hoặc đi đúng tuyến đường đã định khi sử dụng phương tiện cá nhân; không được phép đi ngang, về tắt; bảo đảm nguyên tắc “2 điểm đến, 1 cung đường”; hạn chế tối đa tiếp xúc với những người khác khi không cần thiết.

Công đoàn còn tham gia hỗ trợ doanh nghiệp bố trí nơi ăn, ở, các điều kiện sinh hoạt cho công nhân tại doanh nghiệp, đề xuất bổ sung trang thiết bị đảm bảo làm việc an toàn; hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho một số doanh nghiệp có nhiều khó khăn. Đã có 263/369 doanh nghiệp áp dụng mô hình “3 tại chỗ” thành công với 87.800 CNLĐ.

Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh đã hướng dẫn chủ nhà trọ thực hiện tiêu chí nhà trọ an toàn và giới thiệu để chủ doanh nghiệp thuê cho công nhân lao động ở; đã có 12.773 công nhân được chủ doanh nghiệp thuê giúp nhà trọ. Bên cạnh đó, Công đoàn đã đề xuất với chủ doanh nghiệp có những chính sách hỗ trợ thêm cho NLĐ, hầu hết CNLĐ được thêm từ 1 đến 1,5 triệu đồng/người/tháng trong thời gian 3 tháng.

Để phòng chống dịch COVID-19, công đoàn hằng ngày tham gia đo thân nhiệt người lao động; vận động, đôn đốc CNLĐ lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine phòng COVID-19; cập nhật dữ liệu CNLĐ vào phần mềm theo dõi; thiết lập hệ thống thông tin liên lạc qua nhóm Zalo; duy trì đường dây nóng để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, của CNLĐ để báo cáo với chính quyền. Tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn.

Cùng với đó, các cấp công đoàn còn tổ chức tốt phong trào thi đua “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” do Tổng LĐLĐVN phát động; động viên CNLĐ hăng hái thi đua lao động, sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. 

Phối hợp với chính quyền, các sở ngành có liên quan hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động lập hồ sơ đề nghị được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tham gia giám sát việc thanh toán hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động theo quy định.

Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 2.760 doanh nghiệp, bằng 98,9% tổng số doanh nghiệp đã hoạt động trở lại, 290.000 CNLĐ đã đi làm, tăng hơn 35.000 CNLĐ so với trước khi có dịch do nhiều DN tổ chức lại sản xuất, tuyển dụng thêm nhiều lao động mới. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn