MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Tống Văn Tuyên vinh dự được nhận giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng. Ảnh: Quyết Chiến

Kỹ sư có nhiều sáng kiến đem lại lợi ích cho doanh nghiệp

Quyết Chiến LDO | 04/08/2023 21:02

Bắc Giang - Tại Công ty Cổ phần May xuất khẩu Hà Phong (tỉnh Bắc Giang), kỹ sư Tống Văn Tuyên là gương mặt điển hình trong phong trào sáng kiến sáng tạo với nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất, mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp.

Hơn 13 năm gắn bó với công việc thiết kế, gia công sản phẩm cơ khí, kỹ sư Tống Văn Tuyên – đoàn viên công đoàn, Tổ trưởng tổ cơ khí, Công ty Cổ phần May xuất khẩu Hà Phong luôn hưởng ứng các phong trào do công đoàn phối hợp phát động. Anh Tuyên đã không ngừng sáng tạo, cải tiến từ thực tiễn sản xuất.

Một trong những sáng kiến nổi bật của kỹ sư Tống Văn Tuyên có thể kể đến là giải pháp nghiên cứu thiết kế chế tạo máy tở vải khổ rộng (áp dụng vào sản xuất từ năm 2020).

Các máy tở vải hiện có trên thị trường và tại nhà máy chỉ tở được các cuộn vải khổ rộng 1,6-1,8m. Với các đơn hàng mới sản xuất quần áo bảo hộ y tế xuất đi Mỹ và châu Âu, các cây vải đều có khổ trên 2m. Máy tở vải hiện tại không tở được khổ vải rộng dẫn đến không triển khai được đơn hàng. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, anh Tuyên đã nghiên cứu, tính toán và hoàn thành thiết kế máy tở vải khổ rộng, có thể tở được các cây vải có khổ rộng lên đến 2,9m.

Sau khi áp dụng sáng kiến đã tiết kiệm được chi phí mua máy, làm lợi cho công ty 160 triệu đồng. Bên cạnh đó các đơn hàng sản xuất hàng bảo hộ y tế xuất đi Mỹ hàng chục tỉ đồng cũng được sản xuất kịp tiến độ giao hàng, sản xuất không bị đình trệ, tạo việc làm cho hơn 7.000 lao động tại công ty, thu về lợi nhuận hàng tỉ đồng.

Thêm một sáng kiến có giá trị làm lợi cao của kỹ sư Tống Văn Tuyên là máy gấp nhãn sản phẩm (áp dụng năm 2022). Trước khi áp dụng sáng kiến, tại công đoạn gấp thẻ cần bố trí 4-6 lao động dùng tay không gấp mác, nhãn sản phẩm. Với những đơn hàng gấp, cần giao hàng nhanh, công nhân công đoạn phải tăng ca làm thêm, mệt mỏi và hiệu suất không cao. Trước những khó khăn trên, anh Tuyên trăn trở đêm ngày để cùng nhóm thiết kế tìm ra giải pháp cải tiến để có thể rút ngắn tiến độ công việc cũng như nhân lực làm việc. Sau khi áp dụng máy gấp nhãn sản phẩm, công đoạn này chỉ cần 1-2 lao động. Sản phẩm có vết gấp vuông và chính xác hơn. Giá trị làm lợi cho công ty hàng năm lên đến hơn 400 triệu đồng.

Anh Tuyên chia sẻ, nguồn cảm hứng để anh có nhiều sáng kiến xuất phát từ suy nghĩ mình phải có trách nhiệm với công ty, hăng say trong công việc, cùng với đó là đam mê với nghề. Anh luôn quan sát từng công việc một cách chi tiết, nhìn ra được những bất cập trong sản xuất, trong từng bộ phận, từ đó nảy ra các ý tưởng, các biện pháp, sáng kiến.

Đánh giá về những nỗ lực của anh Tuyên, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần May xuất khẩu Hà Phong Vũ Thị Thanh Hà nhận định, anh Tống Văn Tuyên là tấm gương điển hình của phong trào sáng kiến, sáng tạo của công ty.

Theo bà Vũ Thị Thanh Hà, anh Tuyên có tay nghề rất vững vàng, luôn nhiệt tình và hòa đồng với đồng nghiệp, sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công việc. Đặc biệt, anh rất tích cực tham gia Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động.

Tháng 7 vừa qua, anh Tuyên là 1 trong 4 đoàn viên công đoàn tỉnh Bắc Giang vinh dự được nhận giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn