MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân lao động làm việc trong doanh nghiệp của tỉnh Bắc Giang. Ảnh minh họa: Nguyễn Huyền

Nhiều đề xuất, kiến nghị của đoàn viên, người lao động Bắc Giang

Quế Chi LDO | 19/07/2023 14:49

Bắc Giang - Qua quá trình tổ chức đại hội công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nhiệm kỳ 2023-2028, các cấp công đoàn trong tỉnh Bắc Giang đã tổng hợp các ý kiến đề xuất, kiến nghị của đoàn viên công đoàn, người lao động với Đảng, Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Những ý kiến này được trình bày tại Đại hội Công đoàn tỉnh Bắc Giang lần thứ 18, nhiệm kỳ 2023-2028 vừa diễn ra.

Cụ thể, đoàn viên, người lao động đề nghị lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang trình Chính phủ xem xét, quyết định đưa thành phố Bắc Giang và các huyện Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa, Tân Yên, Lạng Giang của tỉnh Bắc Giang vào địa bàn thuộc vùng 2 với mức lương tối thiểu vùng là 4.160.000 đồng; đưa các huyện Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động vào địa bàn thuộc vùng 3 với mức lương tối thiểu vùng là 3.640.000 đồng để cho tương đồng với các huyện, thành phố giáp ranh thuộc các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên và tăng thêm thu nhập cho công nhân lao động.

Đoàn viên, người lao động cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền có biện pháp chỉ đạo giải quyết tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp để bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Ngoài ra, trong những năm qua, hoạt động công đoàn và phong trào công nhân viên chức lao động đã có đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp số lượng công nhân lao động lớn nhưng cán bộ công đoàn kiêm nhiệm đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.

Vì vậy, có ý kiến đề nghị lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lãnh đạo Đảng, Nhà nước bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách cho công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp có đông công nhân lao động.

Luật Công đoàn năm 2012 và Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21.11.2013 của Chính phủ quy định doanh nghiệp đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở đều phải đóng kinh phí công đoàn. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm việc đóng đúng, đóng đủ kinh phí công đoàn, đã làm ảnh hưởng đến công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Vì vậy, đề nghị lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, lãnh đạo Đảng, Nhà nước có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, nợ bảo hiểm xã hội, không đóng kinh phí công đoàn để các chủ doanh nghiệp chấp hành nghiêm pháp luật của Việt Nam nói chung và Luật Công đoàn nói riêng.

Theo Nghị định số 43/2013/NĐ-CP ngày 10.5.2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Điều 10 của Luật Công đoàn thì thẩm quyền khởi kiện ra tòa án là của công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, mà cán bộ công đoàn cơ sở lại do chủ sử dụng lao động tuyển dụng, trả lương; mặt khác việc lấy giấy ủy quyền của từng người lao động là rất khó, nhất là khi doanh nghiệp dừng sản xuất, người lao động đã đi làm ở nhiều doanh nghiệp khác...

Vậy đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước sửa Nghị định số 43/2013/NĐCP của Chính phủ theo hướng bổ sung thẩm quyền khởi kiện cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để tháo gỡ khó khăn cho tổ chức Công đoàn khi thực hiện vai trò đại diện người lao động khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội ra tòa án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn