MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công ty Cổ phần Giày Bình Định thời điểm đơn hàng bị cắt giảm mạnh tháng 6.2023. Ảnh: Xuân Nhàn

Công đoàn Bình Định đề nghị doanh nghiệp hợp tác để hỗ trợ NLĐ mất việc

Xuân Nhàn LDO | 26/02/2024 09:57

LĐLĐ tỉnh Bình Định cho biết, vẫn còn 147 trường hợp của 2 doanh nghiệp xin hỗ trợ theo Quyết định 7785/QĐ-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam đang chờ “chuyển tiếp” từ thành phố Quy Nhơn.

Trước đó, chỉ 1 hồ sơ trong số 19 hồ sơ của lao động của Công ty Cổ phần Việt - Úc, Phù Mỹ tiếp nhận. Hồ sơ xin hỗ trợ 20 lao động Công ty Cổ phần chế biến lâm sản Hà Thanh (Vĩnh Thạnh) bị hoàn trả vì doanh nghiệp không tiếp tục hợp tác.

Quyết định 7785/QĐ-TLĐ ban hành ngày 25.8.2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 6696/QĐ-TLĐ ngày 16.1.2023. Theo đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 1.4.2023 đến hết ngày 31.12.2023 do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng. Đoàn viên công đoàn được hỗ trợ từ 1-3 triệu đồng tùy trường hợp; người lao động không là đoàn viên được 70% mức trên.

Đây là tin vui lớn với đông đảo đoàn viên, công nhân lao động cả nước, những người phải chật vật đi qua một năm tràn ngập khó khăn, biến động. Tuy nhiên, tại Bình Định số hồ sơ xin hỗ trợ người lao động mất việc, giảm giờ làm từ các cấp công đoàn Bình Định rất ít ỏi.

Khi nghe PV Lao Động thông báo hồ sơ bị hoàn trả, chị Trần Thị Thy Sim (khu phố 3, thị trấn Vân Canh) nói: “Hướng dẫn sao, tôi khai báo vậy. Cứ nghĩ trước sau gì cũng được hỗ trợ, có đồng nào, bớt lo đồng đó”. Chị Sim trước là nhân viên Phòng Kinh doanh, Công ty Cổ phần chế biến lâm sản Hà Thanh, mất việc từ 1.10.2023. Hồi còn trực trạm cân, kho bãi, thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng, chị đã phải gồng mình mới đủ khả năng đắp đổi nuôi 2 con ăn học phổ thông. Thất nghiệp, Sim gặp gì làm nấy, ai thuê cũng làm, cuối ngày, nhận khoản tiền công 150 nghìn đồng, gia cảnh càng sa sút, bấp bênh.

Công văn của LĐLĐ tỉnh Bình Định gửi LĐLĐ huyện Vân Canh nêu lý do hoàn trả hồ sơ như sau: “Chưa có biên bản đối chiếu, xác nhận số kinh phí công đoàn nộp cấp trên; chưa thẩm định minh chứng doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng. Doanh nghiệp không có bản sao phương án sắp xếp lại sản xuất kinh doanh, giảm giờ làm việc hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng do bị cắt giảm đơn hàng. Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương chưa có bảng đối chiếu, xác nhận của Bảo hiểm Xã hội”. Trả lời câu hỏi liệu khâu hướng dẫn thực hiện chính sách có được thúc đẩy trước hạn kết thúc nộp hồ sơ, 31.1.2024, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Vân Canh Trần Thị Hương nói: “Chúng tôi làm hết sức, nhưng doanh nghiệp thay đổi nhân sự điều hành. Tình trạng giao thời đã là một chướng ngại”.

Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế (KKT) Bình Định Nguyễn Đức Long đề cập tình huống khác: “Thủ tục được hướng dẫn sớm, chi tiết. Vấn đề là càng yêu cầu chặt chẽ, người sử dụng lao động càng có tâm lý e ngại. Có những chuyện, doanh nghiệp chỉ muốn… đóng cửa bảo nhau”. Ông Long dẫn chứng: “Khu công nghiệp Phú Tài có 9.000 lao động, song không phải tất cả đều có hợp đồng, bảo hiểm hay đóng công đoàn phí đầy đủ theo quy định. Không doanh nghiệp nào muốn tự mình phơi bày sai phạm”.

Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Bình Định Nguyễn Thị Bích Thủy chia sẻ: “Công đoàn triển khai, người lao động hưởng ứng mà doanh nghiệp không cung cấp hồ sơ thì cũng không làm được. Để thay đổi, cần có sự hợp tác, cộng đồng trách nhiệm của nhiều cơ quan, đoàn thể, thậm chí là của cả hệ thống vì mục tiêu lấy lợi ích của đoàn viên, người lao động làm trung tâm”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn