MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Ong Thụy Hoàng Mai, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương phát biểu tại buổi làm việc.

Công đoàn Bình Dương góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa

Đ.Trọng LDO | 24/09/2019 17:32

Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) vừa có buổi làm việc với LĐLĐ tỉnh Bình Dương để khảo sát về tình hình xây dựng quan hệ lao động ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Bà Ong Thụy Hoàng Mai, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, cho biết hiện nay tỉnh Bình Dương có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đang hoạt động, với hơn 40.000 doanh nghiệp vốn trong nước và trên  3.700 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Tổng số công nhân lao động toàn tỉnh Bình Dương hiện đã gần 1,2 triệu người, chiếm gần 50% dân số toàn tỉnh, trong đó lao động nữ chiếm 57%, lao động ngoại tỉnh chiếm 85%.

Hiện LĐLĐ tỉnh Bình Dương đang quản lý 16 công đoàn cấp trên cơ sở trực tiếp với hơn 3.550 công đoàn cơ sở (CĐCS) và hơn 760.000 đoàn viên công đoàn.  

Theo bà Ong Thụy Hoàng Mai, nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động công đoàn  tỉnh Bình Dương gồm: Phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; Tăng cường đối thoại, thương lượng và xây dựng quan hệ lao động tại doanh nghiệp; Chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ.  Có 60% doanh nghiệp có CĐCS đã ký kết thỏa ước lao động tập thể. Đặc biệt là công đoàn Bình Dương đã ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) ngành Dệt may và TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp ngành gỗ. Giám sát việc thực hiện pháp luật tại doanh nghiệp về tiền lương, thời gian làm việc, các chế độ bảo hiểm bắt buộc, bữa ăn giữa ca... góp phần ngăn ngừa và giảm rõ rệt tình hình tranh chấp lao động tập thể và đình công  thời gian qua...

Theo ông Lê Minh Hoàng, Phó Chủ tịch LĐLĐ thị xã Tân Uyên, để việc xây dựng thương lượng và ký kết TƯLĐTT đạt hiệu quả tốt trong các doanh nghiệp có CĐCS trực thuộc, LĐLĐ thị xã Tân Uyên đã có nhiều giải pháp hỗ trợ các CĐCS, trong đó tổ chức tập huấn Nhóm nhỏ với sự tham gia của một số CĐCS nhất định, có sự tương tác, trực tiếp và hướng dẫn cách làm… Các buổi tập huấn trang bị cho cán bộ CĐCS kỹ năng thương lượng, đàm phán, tự tin khi tiếp xúc đối thoại với chủ doanh nghiệp. Cách làm này đã có hiệu quả, giúp có thêm những doanh nghiệp ký kết TƯLĐTT với những điều khoản có lợi hơn cho NLĐ

Bà Nguyễn Hiền Lê, Trưởng ban Tiền lương- Viện Khoa học Lao động và xã hội, Bộ LĐTB XH, cho biết: Thông qua hoạt động khảo sát ở một số tỉnh thành, trong đó có Bình Dương, Viện  có thêm cơ sở để xây dựng báo cáo về tình hình  quan hệ lao động hiện nay ở các DN nghiệp, đặc biệt là ở  những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong đó chú trọng vào nội dung thương lượng thỏa ước lao động tập thể từng doanh nghiệp, và trong nhóm doanh nghiệp cùng ngành nghề.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn