MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trở lại làm việc sau Tết, công nhân bắt đầu chi tiêu tiết kiệm. Ảnh: Mỹ Ly

Quay lại làm việc sau Tết, công nhân bắt đầu tiết kiệm chi tiêu

MỸ LY LDO | 17/02/2024 14:11

Quay trở lại làm việc, bên cạnh hy vọng năm mới thuận lợi, công việc lẫn thu nhập ổn định, nhiều công nhân lao động đều bắt đầu chi tiêu tiết kiệm để đáp ứng cuộc sống hàng ngày cũng như dành dụm khi có việc đột xuất.

Nhiều khoản cần lo sau Tết

Bắt đầu đi làm lại từ ngày mùng 6 Tết, nữ công nhân Nguyễn Thị Tâm (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cho biết, phần lớn tiền thưởng chị đã biếu cha mẹ và trang trải chi tiêu trong mấy ngày Tết. Trong khi đó, trở lại Bình Dương làm việc, chị sẽ có nhiều khoản cần chi như tiền thuê trọ, phí sinh hoạt hàng ngày…

“Trở lại công ty làm việc, bên cạnh vui vì được gặp lại đồng nghiệp và có thu nhập, tôi sẽ có nhiều khoản phải lo mà trước hết là tiền thuê trọ và chi phí sinh hoạt hàng ngày. Nhưng do tiền thưởng đã dùng hết cho gia đình ăn Tết nên để có cái trang trải, tôi phải sử dụng đến khoản tiền dành dụm khi đột xuất”, chị Tâm chia sẻ.

Được biết, khoản tiền này được chị Tâm để dành ra mỗi tháng vài trăm nghìn đồng sau khi trừ hết các chi phí sinh hoạt, nhà trọ, gửi về cho gia đình: “Để phòng có chuyện gấp cần tiền nên tháng nào nhận lương tôi cũng để ra một ít, tháng nào dư nhiều thì để nhiều, dư ít thì để ít. May nhờ có khoản tiền này mà tôi có cái trang trải đến lúc nhận tháng lương đầu tiên sau Tết”.

Trở lại làm việc sau Tết, chị Tâm có nhiều khoản phải lo. Ảnh: NVCC

Lên kế hoạch ăn Tết tiết kiệm từ trước đó, nữ công nhân Nguyễn Thị Kim Oanh (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) chia sẻ, trước tình hình biến động của giá cả như hiện nay, việc chi tiêu quá mức, đổ dồn tiền tiết kiệm vào ăn Tết sẽ dễ rơi vào cảnh chật vật, lúc khẩn cấp không có tiền xoay sở. Cho nên, tiền thưởng Tết vừa rồi, chị Oanh chỉ mua sắm ít bộ quần áo mới cho cha mẹ và những đồ dùng thật sự cần thiết.

Dù vậy, thực tế sau Tết, nữ công nhân này cũng phải lo lắng nhiều thứ vì bản thân là thu nhập chính của cả gia đình: “Không ở trọ nên tôi đỡ được khoản này, tuy nhiên, chi phí ăn uống, điện, nước, thuốc thang cho cha mẹ… đều do một mình tôi lo liệu”.

Chi tiêu tiết kiệm

Trở lại công ty đi làm, chị Tâm mang theo niềm vui, niềm hy vọng về một năm mới thuận lợi, công ty có nhiều đơn hàng, sản xuất ổn định để thu nhập lẫn đời sống của công nhân lao động ngày càng tốt hơn.

“Tôi rất mong thu nhập hàng tháng dư dả một chút. Vì như thế, tôi mới có thể trang trải cuộc sống hàng ngày, gửi về cho cha mẹ cũng như dành dụm lại khoản tiền tiết kiệm, một khi bản thân hay dưới quê có chuyện đột xuất cũng có cái mà dùng”, chị Tâm bộc bạch.

Song song đó, nữ công nhân cũng cố gắng dè sẻn chi tiêu hết mức có thể. Cụ thể, chị Tâm chọn đi xe máy hơn 200 km từ Cần Thơ lên Bình Dương và mang theo cơm, nước ở nhà để hạn chế tối đa chi phí. Đặc biệt, số bánh mứt, thực phẩm mấy ngày Tết còn dùng được, chị cũng gói mang theo lên nhà trọ. Với số thực phẩm này, nữ công nhân tính toán cũng tiết kiệm được tiền chợ mấy ngày.

Công nhân ưu tiên các thực phẩm giá rẻ để tiết kiệm chi tiêu. Ảnh: Mỹ Ly

Đối mặt với những khoản tiền cần phải lo sau Tết, chị Oanh cũng đã lên các phương án tiết kiệm chi tiêu. Theo đó, chị ưu tiên mua những thực phẩm giá rẻ cũng như tiếp tục tận dụng lại những rau, củ, món ăn ngày Tết chưa dùng hết để tránh lãng phí. Chưa hết, nữ công nhân này còn chọn đi làm cùng đồng nghiệp rồi chia tiền xăng để đỡ được một phần chi phí di chuyển, dùng nó cho những khoản khác.

“Cha mẹ tôi đều đã hơn 80 tuổi, không còn sức lao động, lại dễ bệnh, nên không tiết kiệm để dành dụm tiền là không được. Bởi nếu không có tiền dành dụm, lỡ cha mẹ có ốm đau, bệnh tật, tôi phải xin nghỉ chăm sóc thì lấy gì lo liệu. Giờ mong muốn lớn nhất của tôi là cha mẹ luôn khỏe mạnh và công việc ổn định để có thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày”, chị Oanh tâm sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn