MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ước vọng năm 2022: Việc làm - đời sống người lao động

Nguyễn Thị Thu Ba - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Tháp, Lục Tùng (ghi) LDO | 13/01/2022 09:59

Đồng Tháp - LĐLĐ tỉnh Đồng Tháp mong muốn năm 2022, người lao động ổn định việc làm, đời sống. 

Theo các dự báo, năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội trong nước và tỉnh Đồng Tháp có nhiều cơ hội và thách thức đan xen. 

Dịch COVID-19 với những biến chủng mới vẫn còn diễn biến phức tạp và gia tăng nguy cơ đe dọa lên các hoạt động sản xuất tập trung. Điều này cho thấy, nguy cơ ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người lao động, nhất là người lao động đang làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh... là không hề nhỏ. 

Bà Nguyễn Thị Thu Ba - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Tháp - mong ước năm 2022, người lao động được ổn định việc làm, đời sống. Ảnh: LT

Thực tế tại Đồng Tháp cho thấy, trong đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, năm 2021, toàn tỉnh có 81 đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn tạm ngừng hoạt động. Đã có 21.521 đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng dưới nhiều hình thức khác nhau như: Nghỉ việc tạm thời để đảm bảo phòng, chống dịch...

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thị Thu Ba tặng quà cho người lao động. Ảnh: LH

Cũng trong thời gian dịch diễn biến phức tạp, toàn tỉnh có trên 2.000 đoàn viên, người lao động bị mắc COVID-19. Trong khi đó, 2022 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp, tiến tới Đại hội Công đoàn tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028... Vì vậy, LĐLĐ tỉnh Đồng Tháp ước vọng, năm 2022 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong tạo việc làm và ổn định đời sống người lao động.

Để hướng tới mục tiêu đó, LĐLĐ tỉnh Đồng Tháp đề ra kế hoạch, mục tiêu phấn đấu, nỗ lực chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, thúc đẩy Công đoàn các cấp tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Công đoàn linh hoạt với tình hình mới để chủ động bảo vệ, chăm lo việc làm, đời sống cho đoàn viên và người lao động.

Cụ thể là các cấp Công đoàn, nhất là Công đoàn cơ sở, tích cực, chủ động tham gia cùng với người sử dụng lao động trong xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, vận động người lao động trở lại doanh nghiệp làm việc đảm bảo an toàn, thích ứng với dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, phối hợp thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đối thoại tại nơi làm việc, ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều nội dung có lợi hơn cho người lao động so với pháp luật quy định.

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thị Thu Ba tặng quà cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ảnh: LH

Về phần mình, LĐLĐ tỉnh Đồng Tháp rất mong muốn các ban chuyên môn, bộ phận nghiệp vụ chủ động thực hiện tốt hơn nữa trong công tác tham mưu, đề xuất các ý tưởng, cách làm hay, thiết thực, hiệu quả... Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh xây dựng cơ chế phối hợp cùng các ban ngành chuyên môn và doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong và ngoài tỉnh... kết nối kịp thời thông tin về cung - cầu lao động giữa các đơn vị, giúp người lao động có việc làm và ổn định thu nhập.

Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh cũng mong muốn Tổng LĐLĐ Việt Nam tăng cường hơn nữa phối hợp cùng các bộ, ngành xây dựng chương trình đào tạo nghề, để người lao động có thêm cơ hội chuyển đổi ngành nghề, lựa chọn việc làm mới, thích ứng với tình hình bình thường mới. Đồng thời, tiếp tục kiến nghị Chính phủ ban hành các chính sách mới về hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và có phương thức hỗ trợ đặc biệt để các doanh nghiệp có cơ hội khôi phục và phát triển sản xuất, tạo cơ hội cho người lao động ổn định việc làm, ổn định cuộc sống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn