MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Nguyễn Đình Hà - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Nhà máy Đường An Khê - tại buổi lễ tuyên dương. Ảnh: Thanh Tuấn

Thủ lĩnh Công đoàn ở Gia Lai hết mực quan tâm người lao động

THANH TUẤN LDO | 22/07/2024 20:00

Các thủ lĩnh Công đoàn cơ sở tại Gia Lai cho rằng, bảo vệ quyền, lợi ích cho người lao động cũng là cách nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp.

Đề cao quyền lợi người lao động

Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai vừa tuyên dương, khen thưởng 78 Chủ tịch Công đoàn cơ sở xuất sắc, tiêu biểu, đại diện cho 1.673 Công đoàn cơ sở toàn tỉnh. Trong đó, có 3 thủ lĩnh Công đoàn chia sẻ về cách làm hay, hiệu quả để bảo vệ lợi ích người lao động.

Anh Nguyễn Đình Hà - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Nhà Máy Đường An Khê - cho biết: “Khi làm việc với giám đốc, tôi luôn giữ nguyên tắc mối quan hệ được thể hiện trên tinh thần tôn trọng, hợp tác. Trong đó, cùng thực hiện mục tiêu chung, thắng lợi trong công tác sản xuất kinh doanh nhưng vẫn bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công nhân, người lao động”.

Theo anh Hà, Chủ tịch Công đoàn cần gắn kết hiệu quả giữa người lao động với chủ doanh nghiệp. Đối với những việc làm của chủ lao động chưa thoả mãn với người lao động như chính sách tiền lương, vi phạm chính sách pháp luật… thì Công đoàn cơ sở sẽ vào cuộc tìm hiểu để đóng góp ý kiến xây dựng trên tinh thần lợi ích chung của doanh nghiệp và người lao động. Phương châm anh Hà giải quyết sự việc là tạo ra sự đồng thuận, tận tâm, sáng tạo.

Tương tự, việc quản lý bảo vệ rừng ở Gia Lai luôn là vấn đề nóng, đặc biệt khi thực trạng nhân viên bảo vệ rừng xin nghỉ việc ngày càng nhiều. Anh Đào Duy Thức - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hà Ra (thuộc Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) - chia sẻ: “Lực lượng bảo vệ rừng thường xuyên trèo đèo, lội suối, đối mặt với lâm tặc và nhiều hiểm nguy rình rập. Dù vậy, chế độ đãi ngộ dành cho đội ngũ này thấp, hầu như không có. Tình trạng bỏ việc, nghỉ việc của lực lượng này xảy ra tương đối nhiều trong thời gian qua”.

Trước tình trạng này, các cấp Công đoàn đã vào cuộc nắm bắt, động viên người lao động chia sẻ khó khăn với tổ chức, đơn vị. Mặt khác, Công đoàn cũng có những kiến nghị lên cấp trên để bảo đảm quyền và lợi ích cho người lao động.

Bảo vệ quyền lợi người lao động là trách nhiệm của mỗi thủ lĩnh Công đoàn cơ sở. Ảnh: Thanh Tuấn

Khen thưởng, nâng cao đời sống cho đoàn viên Công đoàn

Để cải thiện khó khăn cho người lao động làm nghề rừng, các Công đoàn cơ sở đã chủ trương trồng rừng sản xuất tại đơn vị trên cơ sở tiềm năng đất đai và để bảo vệ được đất của Nhà nước. Khi thực hiện thì trồng đúng loài cây quy định, gia tăng mục tiêu phủ xanh đồi núi trọc.

Hoạt động trồng rừng cũng góp phần gia tăng thu nhập cho đoàn viên, người lao động để họ luôn yên tâm công tác. Nhờ hoạt động này, mỗi năm từ việc bán cây rừng trồng, mỗi hộ gia đình, đoàn viên công đoàn và người lao động có thêm thu nhập từ 15-30 triệu đồng.

Ngoài ra, Công đoàn phát động phong trào tăng gia sản xuất trồng cây cà phê, hồ tiêu và trồng rừng sản xuất riêng của các gia đình cho thu nhập cao để ngày càng nâng cao đời sống người lao động.

Còn cô Phạm Thị Kim Thương - Thủ lĩnh Công đoàn Trường Mầm non Hoa Hồng (Liên đoàn Lao động TP.Pleiku) - cho hay, với đặc thù là trường mầm non, giáo viên chăm sóc, giáo dục trẻ làm nhiệm vụ trọng tâm.

Nhờ những hình thức tuyên truyền phù hợp cũng như có những hình thức khen thưởng tuyên dương phù hợp, Công đoàn đã tạo động lực cho đoàn viên, người lao động hưởng ứng tích cực tất cả các cuộc vận động, các phong trào thi đua trong đơn vị.

Người lao động còn hăng hái hưởng ứng các hoạt động ủng hộ từ thiện, hiến máu nhân đạo do các cấp phát động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn