MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngoài thời gian dài đi làm ở nhà máy, về nhà nhiều công nhân trẻ ở KCN tại Khánh Hoà chỉ biết ôm điện thoại vì không có gì để vui chơi giải trí. Ảnh: P.Linh

Thiếu thiết chế văn hoá, đa số công nhân hết giờ làm là ôm... điện thoại

Phương Linh - Tường Minh LDO | 31/10/2022 09:57

Khánh Hòa - Thiếu thiết chế văn hoá, đa số công nhân lao động tiếp cận, thụ hưởng văn hóa qua màn mình điện thoại.

Nếu không tăng ca thì "ôm" điện thoại

Chị Cao Thị Ngọc Lam, 19 tuổi, công nhân Công ty TNHH Mariso Việt Nam, đóng ở Khu công nghiệp Suối Dầu, tỉnh Khánh Hòa. Chị Lam quê ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), xuống thuê trọ ở thôn Dầu Sơn để đi làm công nhân được hơn 1 năm nay.

Thời gian của Lam cũng như gần 30 công nhân khác trong dãy trọ là sáng 7h ra khỏi phòng trọ vào nhà máy làm việc cho đến 16h nếu không tăng ca thì về lại nhà trọ nghỉ ngơi và “ôm” điện thoại.

Ngoài thời gian dài đi làm ở nhà máy, về nhà nhiều công nhân trẻ ở KCN tại Khánh Hoà chỉ biết ôm điện thoại vì không có gì để vui chơi giải trí. Ảnh: P.Linh

“Năm thì công ty có tổ chức hoạt động thể thao hay cho xem ca nhạc lần. Ở đây thì cũng không có gì để cho công nhân chơi sau giờ làm việc nên nếu không có điện thoại chúng tôi cũng không biết bên ngoài có những gì”, chị Lam nói.

Theo Lam, “điện thoại ngoài tác dụng lớn nhất là kết nối người thân bạn bè thì về đến phòng là tôi và đa số mọi người sẽ lướt mạng xã hội Tiktok hay Facebook để xem phim, xem ca nhạc hay theo dõi các drama trên mạng xã hội. Biết là cũng có nhiều cái trên mạng không tốt nhưng biết làm gì khác để giết thời gian nghỉ ở nhà?”.

Chỉ 1 khu công nghiệp có thiết chế văn hóa

Theo quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025, toàn tỉnh có 4 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 15.000ha. Đến nay có 2 khu công nghiệp và 5 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với khoảng 16.000 lao động.

Năm 2016, UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt đề án “Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

This browser does not support the video element.

Clip công nhân lao động ở Khánh Hòa giải trí bằng điện thoại sau giờ làm.

Trong đó mục tiêu đến năm 2020, 80% công nhân và người sử dụng lao động ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được phổ biến pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa.

100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoàn thành phê duyệt quy hoạch phát triển thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân. 70% doanh nghiệp tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống cho công nhân lao động tại doanh nghiệp…

Đề án cũng đưa ra nội dung đầu tư xây dựng các mô hình và định hướng từng bước phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao phục vụ công nhân.

Nổi bật là đến năm 2020 phấn đấu xây dựng từ 3 - 5 nhà văn hóa công nhân trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Thế nhưng đến nay năm 2022 mới chỉ duy nhất 1 khu công nghiệp Suối Dầu có khu thiết chế trung tâm văn hóa thể thao cho công nhân.

Nhưng cũng chỉ mới khai thác được công năng là điểm tập trung tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao... vào dịp lễ lớn chứ chưa có sân chơi nào hoạt động thường xuyên.

Công nhân không có nơi giải trí

Ông Đoàn Ngọc Cứ, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Tín Thịnh cho rằng: “Thiết chế văn hóa cho công nhân vẫn đang thiếu rất nhiều. Công nhân không có chỗ chơi, không có chỗ giải trí, không có chỗ để tiếp cận những hoạt động văn hóa… Nguyên nhân do thiếu cơ sở hạng tầng, phần vì thời gian chủ yếu phải dành cho sản xuất.

Dù chúng tôi đã cố gắng mỗi năm tổ chức 1-2 hoạt động lớn tại cơ sở nhưng 2 năm rồi do dịch nên phải dừng lại. Năm nay muốn tổ chức phải chia nhóm nhỏ chứ không tập trung được nhiều".

Niềm vui hiếm hoi, thậm chí là bất ngờ với nhiều của một doanh nghiệp ở Khánh Hòa khi được giao lưu với thần tượng bóng đá huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam ông Park Hang- seo. Ảnh: P.Linh

Theo ông Đoàn Ngọc Cứ, hậu dịch COVID-19 cho thấy rất cần những hoạt động vui chơi giải trí cho công nhân lao động để giúp họ nâng cao thể trạng, cải thiện tâm lý sau những căng thẳng thời gian qua.

Sẽ không có gì phải phàn nàn nếu như các khu công nghiệp có được điểm chiếu phim, thư viện sách cho công nhân, câu lạc bộ dạy đàn hát khiêu vũ, bóng bàn, cầu lông… miễn phí, tạo sân chơi cho công nhân sau giờ làm việc, nhất là công nhân trẻ ở trọ ở gần khu công nghiệp.

Theo bà Trương Thị Thu, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế - Khu công nghiệp tỉnh Khánh Hòa, thời gian qua ảnh hưởng dịch COVID-19 nên các hoạt động văn hóa thể thao tổ chức cho công nhân lao động bị hạn chế.

Thực tế là đặc thù lao động ở rải rác các địa phương, tập trung sản xuất là chính nên bố trí thời gian để công nhân lao động tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí số đông vào ngày thường là rất khó. Vì thế Công đoàn chỉ tranh thủ được các hoạt động ngoài giờ làm việc và giờ nghỉ ngơi nên rất thiệt thòi cho công nhân lao động.

"Thời gian tới Công đoàn Khu sẽ nỗ lực phối hợp với các Công đoàn cơ sở, chủ sử dụng lao động để cải thiện và nâng cấp cơ sở vật chất, tạo sân chơi văn hóa thể thao hấp dẫn thu hút công nhân lao động tham gia", bà Thu nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn