MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà máy ngừng hoạt động, vắng bóng công nhân lao động. Ảnh Thanh Tuấn

Nhà máy thiếu nguyên liệu, hàng trăm công nhân caosu Kon Tum nghỉ việc

THANH TUẤN LDO | 15/02/2023 08:51

Kon Tum - Việc tranh chấp đất đai giữa người dân và các công ty nông, lâm trường caosu ở tỉnh Kon Tum diễn ra kéo dài khiến nhiều ha caosu không được trồng mới hoặc thanh lý khi vườn cây già cỗi. Kéo theo đó, hoạt động của nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất, chế biến gỗ ngừng hoạt động, hàng trăm công nhân lao động buộc phải nghỉ việc.

Ngày 15.2, ông Lê Đăng Trình – Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Sản xuất gỗ cây Caosu Kon Tum cho biết, hiện đơn vị có 128 người lao động trực tiếp và 21 lao động gián tiếp phải nghỉ việc do nhà máy không có nguyên liệu để hoạt động chế biến.

Ngay cả các cán bộ, nhân viên quản lý cũng phải nghỉ việc, thời gian nghỉ việc kéo dài từ tháng 7.2022 đến nay. Nhà máy được đầu tư nhiều tỉ đồng, đóng chân trên vùng nguyên liệu caosu rộng lớn của tỉnh Kon Tum, từng giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Nhưng hiện nay, khu vực sản xuất vắng vẻ, đìu hiu, máy móc thiết bị, dây chuyền ngừng hoạt động, kho bãi trống rỗng, xuống cấp.  

“Nhiều công nhân gắn bó lâu năm nghỉ việc, họ phải đi làm ăn xa. Trong khi thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội xuống tận nhà máy động viên công nhân đóng bảo hiểm tự nguyện để đảm bảo quyền lợi. Ban chấp hành Công đoàn thường xuyên gọi điện hỏi thăm, động viên tinh thần các công nhân lao động, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người lao động”, ông Trình nói.

Kho hàng trống rỗng, hoạt động sản xuất đình trệ. Ảnh Thanh Tuấn

Tuy nhiên, cũng như nhiều nhà máy khác, các đơn vị sản xuất lo ngại việc công nhân nghỉ việc kéo dài sẽ gây hệ lụy, nếu khi nhà máy gỡ được vướng mắc về nguyên liệu để tái hoạt động sản xuất thì sẽ khó kêu gọi công nhân trở lại làm việc bình thường.

Theo ông Chế Thanh Hùng – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất gỗ cây Caosu Kon Tum, những năm gần đây việc thiếu nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy caosu thường xuyên xảy ra. Nguyên nhân là do các hợp đồng thanh lý vườn cây caosu chưa thực hiện được do xảy ra tranh chấp đất đai với người dân địa phương. Phần khác là do khó đấu giá trong các hợp đồng thanh lý vườn caosu già cỗi.  

Riêng số diện tích của nhà máy chưa được thực hiện theo hợp đồng thanh lý đến thời điểm tháng 3.2023 là hơn 321ha, phân bố tại các nông trường như: Thanh Trung, Hòa Bình…

Theo UBND tỉnh Kon Tum, thời gian qua, việc khiếu nại đất đai trên địa bàn có chiều hướng gia tăng và có tính chất phức tạp trong việc đòi lại đất cũ, tranh chấp, lấn chiếm đất đai tại các công ty nông, lâm trường, nhiều nơi đã trở thành điểm nóng.

Trước đó, các hộ dân thôn Plei Sar và thôn Lâm Tùng, xã Ia Chim (TP Kon Tum) khiếu kiện đòi lại đất khu vực hơn 209ha của Công ty TNHH MTV Caosu Kon Tum. Vườn cây già cỗi đã thanh lý nhưng các hộ dân lấn chiếm, khiếu kiện đòi lại đất để sản xuất.

Ông Lê Ngọc Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo chính quyền địa phương nơi đóng chân các nông, lâm trường caosu tăng cường tuyên truyền, vận động người dân kiến thức pháp luật về đất đai, tránh để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự.

Chính quyền phối hợp với các công ty caosu ổn định đời sống, sản xuất, giảm tranh chấp đất đai và phát sinh việc lấn chiếm đất trái phép. Đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân, hạn chế tình trạng mua bán đất trái phép bằng giấy viết tay không thông qua chính quyền địa phương…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn