MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bên cạnh việc đào tạo các nghề truyền thống, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cũng chú trọng mở rộng và đang dạng các ngành nghề đào tạo để đáp ứng với xu thế của thị trường lao động. Ảnh: Diệu Anh

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để thích ứng với thị trường lao động

DIỆU ANH LDO | 06/08/2023 16:34

Ninh Bình - Những năm qua, bên cạnh việc đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tỉnh Ninh Bình rất quan tâm đến công tác giáo dục nghề nghiệp thông qua việc kêu gọi doanh nghiệp cùng tham gia lĩnh vực này. Với những cách làm đa dạng của các cơ sở đào tạo nghề, các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, thu hút đông đảo học viên tham gia học nghề.

Hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 27 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, những năm gần đây, các cơ sở đã có nhiều đổi mới trong công tác tuyển sinh, đào tạo nghề. Trong đó, nhiều ngành nghề mới phù hợp với xu thế phát triển của thị trường lao động được đưa vào chương trình đào tạo. Hệ thống cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên từng bước được chuẩn hóa, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước.

Hiện nay, bên cạnh các nghề truyền thống như: kế toán doanh nghiệp, chăn nuôi – thú y, trồng trọt và bảo vệ thực vật... các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình còn mở rộng các loại hình đào tạo như: nghề may thời trang, điện công nghiệp và hướng dẫn viên du lịch...

Theo số liệu từ Sở LĐTB-XH tỉnh Ninh Bình, trong giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh Ninh Bình đã đào tạo nghề cho trên 85.800 lượt người (trung bình mỗi năm đào tạo nghề cho trên 17.000 lao động), tỉ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 80% tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề liên tục tăng qua các năm, từ 41% (năm 2015) lên 55% năm 2020. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã tuyển sinh đào tạo nghề cho trên 9.000 người, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm 2022. Với sự chủ động đổi mới và thích ứng với xu thế của thị trường lao động, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh Ninh Bình ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trong và ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Ninh Bình khẳng định: Khi các cá nhân, doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo nghề, người học được tiếp cận thực tế nhanh chóng, thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành cũng như khả năng thích ứng với sự thay đổi công nghệ trong thực tế sản xuất… Đặc biệt, với sự tham gia của doanh nghiệp vào công tác đào tạo nghề đã tạo nên sự sôi động, thi đua tích cực giữa các cơ sở đào tạo nghề, từ đó nâng cao chất lượng trong đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Hiện nay, số lượng cũng như chất lượng giáo viên, chất lượng công tác đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên điạ bàn tỉnh Ninh Bình ngày càng được nâng cao. Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu đưa tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 70-72% vào năm 2025, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 28-32%. Đặc biệt, chất lượng nguồn lao động cũng sẽ được nâng lên tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế.

"Đây là một nhiệm vụ khó, nhưng ngành LĐTB-XH tỉnh Ninh Bình sẽ phấn đấu hoàn thành. Chính vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, toàn ngành sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp theo hướng linh hoạt, chuẩn hóa và hội nhập quốc tế. Trong đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung đào tạo các ngành nghề mũi nhọn và có tiềm năng phát triển của tỉnh. Đồng thời, thực hiện đào tạo, đào tạo lại người lao động đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tăng cường hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp…" - ông Tuyến cho hay

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn