MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động trở về quê vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Ảnh: Hưng Thơ.

Quảng Trị tìm cách giữ chân lao động lành nghề trở về từ các tỉnh phía Nam

HƯNG THƠ LDO | 28/06/2023 17:14

Trong số hàng nghìn lao động lành nghề từ các tỉnh phía Nam trở về quê là Quảng Trị do ảnh hưởng dịch COVID-19, có hơn 550 lao động ở lại và làm việc tại địa phương.

Ngày 28.6, theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Quảng Trị, tính từ tháng 12.2021 đến thời điểm 30.3.2022, Sở LĐTBXH tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh liên hệ được 3.626 lao động từ các tỉnh, thành trở về quê do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Trong số 3.626 lao động được liên hệ, có 566 lao động có việc làm trong tỉnh, 55 lao động chờ kết nối làm việc, 893 lao động đã trở lại công ty cũ làm việc…

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển dụng lao động có nhu cầu ở lại địa phương làm việc, Sở LĐTBXH đã và đang triển khai nhiều giải pháp.

Bà Lê Nguyễn Huyền Trang – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đặc biệt ưu tiên tập trung ứng dụng các phương tiện công nghệ thông tin, chuyển tải thông tin thị trường lao động qua trang thông tin điện tử. Tập trung thực hiện kết nối cung - cầu lao động, tư vấn giới thiệu việc làm bằng hình thức trực tuyến.

Đồng thời, tạo cơ hội, điều kiện để các nhà quản lý nhân sự của doanh nghiệp tham gia sinh hoạt, kết nối, trao đổi, hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau về kinh nghiệm, kiến thức, các thông tin, chính sách liên quan đến lĩnh vực lao động - việc làm, học nghề, đặc biệt là phục vụ công tác tuyển dụng lao động.

Đơn cử, trong năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị đã xây dựng thành lập và tổ chức hoạt động nhóm “Những nhà quản lý nhân sự của doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị”, đến nay nhóm đã hoạt động với hơn 30 doanh nghiệp tham gia và đã mang lại những hiệu quả trong kết nối cung cầu lao động và sẽ duy trì trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Trị đã chú trọng và đẩy mạnh công tác tổ chức sàn giao dịch việc làm; triển khai thực hiện hiệu quả các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, nhất là các dự án, hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường lao động và giải quyết việc làm.

Ngoài các giải pháp nói trên, theo bà Lê Nguyễn Huyền Trang, các sở, ban ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố - cần phối hợp chặt chẽ, thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động theo các chủ trương của Chính phủ đã ban hành. Phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn