MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tăng cường kiểm tra giám sát thực hiện chế độ cho người lao động ở Thanh Hoá

QUÁCH DU LDO | 20/01/2024 14:28

Thanh Hóa - Ngày 20.1, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã tổ chức hội nghị đánh giá tình hình quan hệ lao động và an ninh trong doanh nghiệp năm 2023.

Theo LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, toàn tỉnh có 331.178 đoàn viên công đoàn. Năm 2023, nhìn chung tư tưởng của đoàn viên, người lao động cơ bản ổn định.

Qua báo cáo của công đoàn cấp trên cơ sở, đã có 578/736 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức hội nghị người lao động; có 603/736 doanh nghiệp tổ chức hội nghị đối thoại. 100% các bản thỏa ước lao động tập thể được ký kết đều có ít nhất 3 nội dung trở lên có lợi hơn cho đoàn viên.

LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị đánh giá tình hình quan hệ lao động và an ninh trong doanh nghiệp năm 2023. Ảnh: Quách Du

Việc tham gia kiến nghị của tổ chức công đoàn tại nhiều địa phương được doanh nghiệp tôn trọng và thực hiện. Các nội dung kiến nghị tập trung vào việc tham gia xây dựng nội quy, quy chế; thông qua hội nghị người lao động, hội nghị đối thoại; thông qua việc thương lượng ký kết thoả ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động; kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật lao động…

Trong quá trình thực hiện, bên cạnh những thuận lợi, tại một số doanh nghiệp quyền đại diện của công đoàn còn mang tính hình thức và hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa phát huy và thể hiện tốt vai trò là người “duy nhất” đại diện cho công nhân, lao động.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Quách Du

Ngoài ra, nhiều nơi, quyền đại diện trong việc ký thoả ước lao động tập thể còn gặp khó khăn; chất lượng thỏa ước lao động tập thể không cao, chủ yếu sao chép các quy định của pháp luật lao động, ít có những điều khoản có lợi hơn so với quy định pháp luật cho người lao động.

Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tự phát. Hầu hết cuộc ngừng việc tập thể, ngừng việc tự phát đều trong phạm vi quan hệ lao động, liên quan đến những vấn đề về tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, hợp đồng lao động, BHXH... Kiến nghị, đề xuất của các cuộc ngừng việc tập thể về cơ bản là hợp pháp, chính đáng.

Đối với các vụ tranh chấp lao động, ngừng việc tự phát xảy ra, công đoàn đã tích cực tham gia giải quyết. Nhiều phương án do công đoàn đưa ra được tập thể lao động và người sử dụng lao động chấp thuận.

Ông Võ Mạnh Sơn - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa - phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quách Du

Tại hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn tham gia đóng góp ý kiến trong việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và an ninh tại doanh nghiệp.

Tiếp thu các ý kiến, LĐLĐ tỉnh đề nghị các công đoàn cơ sở tăng cường giám sát người sử dụng lao động thực hiện tiền lương, thưởng, các khoản phúc lợi, môi trường làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động.

Các cấp công đoàn trong tỉnh chủ động phối hợp với người sử dụng lao động tập trung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động nhằm góp phần ổn định quan hệ lao động trong doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn