MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tạo sân chơi, các phong trào thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, gắn kết đoàn viên, người lao động. Ảnh: Như Phương

Đoàn viên Công đoàn hiến kế đổi mới thi đua thu hút đoàn viên

NHƯ PHƯƠNG (LĐLĐ HUYỆN A LƯỚI) LDO | 01/06/2023 09:08

HUẾ - Đoàn viên Công đoàn nêu một số giải pháp đổi mới nội dung, hình thức trong việc tổ chức phong trào thi đua mang lại hiệu quả, thu hút được sự tham gia của công nhân, viên chức, lao động tại Công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc.

Với mục đích tiếp tục đổi mới, sáng tạo và nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, người lao động và các cấp Công đoàn, trong những năm qua, LĐLĐ huyện A Lưới đã cụ thể hóa các phong trào thi đua: “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”; “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”; “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức Công đoàn”.

Bên cạnh đó, LĐLĐ huyện A Lưới đã tổ chức, triển khai các phong trào thi đua, nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý thức tự lực, tự cường của đoàn viên, người lao động. Đồng thời, lựa chọn các công trình, sản phẩm, phần việc có giá trị kinh tế - xã hội, có ý nghĩa chính trị, mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống, việc làm của đoàn viên, người lao động hoặc đóng góp cho cộng đồng, xã hội để đăng ký thực hiện, gắn biển chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội Công đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XV, nhiệm kỳ 2023-2028.

Để triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua, thu hút được sự tham gia của công nhân, viên chức, lao động, theo bà Trần Như Phương (LĐLĐ huyện A Lưới), cần phải đổi mới về nội dung lẫn hình thức trong tổ chức phong trào thi đua, cụ thể đó là:

Thứ nhất, chỉ phát động, triển khai phong trào thi đua khi đã xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, đối tượng, nội dung, biện pháp, phạm vi tổ chức phong trào.

Trong đó, nội dung quan trọng nhất để tổ chức phong trào thi đua hiện nay là phải bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị để đề ra các phong trào thi đua toàn diện, vượt mức các nhiệm vụ, chỉ tiêu trong chương trình, kế hoạch đề ra hằng năm hoặc từng thời điểm cụ thể.

Phong trào thi đua cần hướng về cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất, là lực lượng đông đảo thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Với các phong trào lớn, phong trào mới cần nghiên cứu, xem xét việc chọn, chỉ đạo điểm trong thời gian nhất định, để rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng phong trào. 

Cần gắn kết các phong trào thi đua với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó nâng cao chất lượng các phong trào thi đua.

Từ các chuyên đề liên quan đến việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh như: đăng ký thực hiện các chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh; nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu; các chuyên đề “Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh trong nói và làm”, “Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân”, “Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ" các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể gắn với nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn để đổi mới, đa dạng hóa các nội dung tổ chức phong trào thi đua trong phạm vi, đối tượng cụ thể của mình. 

Bên cạnh các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị thường xuyên, cần chú trọng phát động các phong trào thi đua thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách hoặc đột phá vào những nhiệm vụ, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm để giải quyết những khó khăn, yếu kém của từng đơn vị, địa phương. 

Thứ hai, cùng với đổi mới nội dung, đổi mới hình thức, thì phương thức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước cũng là yêu cầu tất yếu trong mọi giai đoạn cách mạng, là vấn đề quan trọng trong quá trình phát động triển khai các phong trào thi đua và là một trong những giải pháp để tổ chức phong trào thi đua đạt hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.

Hình thức tổ chức phong trào thi đua cũng phải phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ từng địa phương, đơn vị và khả năng tham gia của từng đối tượng cụ thể. Cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai phong trào thi đua cần nghiên cứu khả năng, điều kiện, chức năng, nhiệm vụ và nhất là đối tượng sẽ hưởng ứng, tham gia phong trào để thiết kế hình thức tổ chức phù hợp nhất với từng loại hình, đối tượng. Căn cứ vào thế mạnh, đặc thù của đối tượng hướng tới để có hình thức phù hợp trong thiết kế, tổ chức sẽ tạo nên hiệu quả cao của phong trào thi đua. 

Thứ ba, cần coi trọng việc tăng cường phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến sẽ tạo sức lan toả trong toàn xã hội. Làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng điển hình tiên tiến sẽ tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước phát triển, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị. 

Thứ tư, công tác sơ kết, tổng kết phong trào thi đua là một nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện phong trào thi đua. Các phong trào cần được kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá đúng những kết quả đã đạt được, chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế và hướng khắc phục. Qua đó rút ra cách làm hay, kinh nghiệm tốt để bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến; đồng thời phát hiện gương người tốt, việc tốt để đề xuất khen thưởng kịp thời.

Việc khen thưởng chính xác, kịp thời sẽ có tác dụng nêu gương và tác động tích cực đến phong trào thi đua của mỗi địa phương, đơn vị. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn