MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Làm gì để ngăn ngừa, giải quyết ngừng việc tập thể

THU NAM LDO | 08/03/2022 06:59

THỪA THIÊN HUẾ - Bà Lê Thị Thu Nam - Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế - Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế nêu ra một số giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể từ góc độ trách nhiệm của tổ chức Công đoàn.

Dùng biện pháp ngừng việc tập thể để giải quyết những mâu thuẫn của người lao động và chủ doanh nghiệp là không khả thi.

Đình công, ngừng việc tập thể dù đúng hay không đúng theo quy định của pháp luật, đều làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội cũng như tại doanh nghiệp, gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại về vật chất cho doanh nghiệp, làm tổn thương mối quan hệ lao động giữa NLĐ - NSDLĐ và phải mất rất nhiều thời gian mới khôi phục lại được.

Để phòng ngừa, giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn dù là nhỏ nhất, ngay từ khi mới manh nha xuất hiện, có nguy cơ xảy ra tranh chấp, ngừng việc tập thể trên cơ sở đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động và chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, hướng tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, từ góc độ trách nhiệm của tổ chức Công đoàn cần thực hiện một số giải pháp như sau:

Vận động doanh nghiệp thành lập tổ chức Công đoàn (đối với các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn) và nâng cao năng lực cho cán bộ CĐCS (đối với các doanh nghiệp đã thành lập CĐCS) trong tham gia xây dựng quy chế dân chủ tại nơi làm việc, kỹ năng thương lượng TƯLĐTT, kỹ năng thuyết phục, vận động NLĐ, hướng dẫn NLĐ giao kết hợp đồng lao động là giải pháp tối ưu để phòng ngừa, hạn chế đình công, ngừng việc tập thể.

Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cùng các cơ quan, ban ngành thương lượng Doanh nghiệp tăng mức thưởng Tết thỏa đáng cho NLĐ nhân dịp Tết Nguyên Đán nhâm dần 2022. Ảnh: PĐ.

Tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn tới NLĐ, NSDLĐ về việc đồng hành, chia sẻ khó khăn, lấy quan tâm, chăm lo việc làm, đời sống, thu nhập của NLĐ làm động lực ổn định doanh nghiệp. Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cần dành một phần lợi nhuận để tổ chức các hoạt động gắn kết người lao động với công ty, có kế hoạch tăng lương, thưởng tết, các chế độ phúc lợi thỏa đáng được NLĐ chấp nhận. Ngược lại, việc phát triển doanh nghiệp là cơ sở để tạo việc làm, thu nhập và nâng cao đời sống của NLĐ. Mối quan hệ giữa NSDLĐ với NLĐ xác định là mối quan hệ cộng sinh.

Tuyên truyền, vận động NLĐ nâng cao ý thức chấp hành nội quy lao động, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thi đua tăng năng suất lao động gắn bó chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp.

Tăng cường tổ chức tư vấn pháp luật về thực hiện chế độ chính sách tiền lương, chế độ thai sản, làm thêm giờ, ký hết hợp đồng lao động, chế độ thất nghiệp.

Việc thực hiện giao kết hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Không ký hợp đồng lao động có xác định thời gian, hoặc ngắn hạn đối với công việc mang tính thường xuyên. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho người lao động và chủ doanh nghiệp, hạn chế để xảy ra tình trạng lao động ngừng việc tập thể.

CĐCS Chủ động, phối hợp đề xuất với NSDLĐ thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tổ chức đối thoại định kỳ hoặc đột xuất để nắm bắt tâm tư nguyện vọng NLĐ, kịp thời giải quyết các vướng mắc tránh những nguy cơ tiềm ẩn xung đột giữa NLĐ - SDLĐ.

Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thường xuyên nắm bắt thông tin bằng cách thiết lập các kênh thông tin từ cơ sở về tình hình sản xuất, kinh doanh, tình hình thực hiện các chế độ chính sách đối với NLĐ, khó khăn chung của doanh nghiệp và NLĐ để kịp thời đề xuất, kiến nghị, phối hợp tham gia kiểm tra giám sát cùng các cơ quan, ban ngành chức năng giải quyết, tháo gỡ mầm móng mâu thuẫn trong quan hệ lao động; Khi xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể Công đoàn cấp trên kịp thời phối hợp hỗ trợ, hướng dẫn CĐCS, NLĐ, NSDLĐ đối thoại, thương lượng giải quyết, xử lý nhanh nhất, không để xảy ra ngừng việc tập thể kéo dài, lây lan.

Vận động NLĐ giữ trật tự không làm theo sự kích động của một bộ phận có động cơ xấu gây ra những hành động trái pháp luật. Như vậy, Lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động (bên tạo ra lợi ích); lợi ích của Nhà nước (bên đảm bảo lợi ích) phải hài hòa, khăng khít giữa quyền lợi và nghĩa vụ; công đoàn là người bảo vệ lợi ích trong tổng hòa mối quan hệ biện chứng hài hòa, ổn định và tiến bộ cùng nhau tồn tại, phát triển.

Đồng thời, nó là cơ sở quan trọng để công đoàn ngày càng gắn bó chặt chẽ với giai cấp công nhân trong điều kiện mới, thể hiện đúng bản chất cách mạng của Công đoàn Việt Nam giai đoạn hiện nay góp phần ổn định kinh tế, chính trị, xã hội và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh.                                                                                            

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn