MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy TPHCM, LĐLĐ TPHCM, LĐLĐ TP Thủ Đức thăm, tặng quà gia đình bà Nguyễn Tuyết Anh (thứ năm, từ phải qua) - chủ nhà trọ đã 9 năm không tăng giá phòng trọ. Ảnh: Nam Dương

Ấm tình chủ nhà trọ với người lao động

Nam Dương LDO | 08/02/2024 17:00

TPHCM - Nhiều chủ nhà trọ chăm lo tốt cho công nhân (CN), người lao động (NLĐ) thông qua việc nhiều năm không tăng giá nhà trọ và có nhiều hoạt động hỗ trợ khác như tặng quà, tổ chức tiệc tất niên dịp Tết.

Gần 10 năm không tăng giá thuê phòng trọ

Đến thăm khu nhà trọ của gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết Thương ở Khu phố 3, Phường Phước Long A, TP Thủ Đức (TPHCM), nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi biết từ năm 2017 đến nay, gia đình bà không tăng giá thuê nhà trọ.

Chị Trần Thị Lý - CN Công ty May Phú Khang, trú đóng ở Quận 12 - cho biết, chị thuê nhà trọ của gia đình bà Thương từ khi còn là sinh viên một trường cao đẳng, đến nay đã được gần 20 năm. Hiện hai mẹ con chị thuê phòng trọ rộng hơn 20 m2 với giá thuê 1,7 triệu đồng/tháng.

“Từ nhiều năm qua, gia đình bà Thương không tăng giá phòng trọ và luôn chăm lo, hỗ trợ nhiệt tình những người ở trọ, xem những người ở trọ như người trong gia đình, nên dù đi làm xa chút, tôi vẫn thuê trọ ở đây” - chị Lý nói.

Đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy TPHCM, LĐLĐ TPHCM, LĐLĐ TP Thủ Đức thăm, tặng quà gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết Thương (thứ tư, từ trái qua) - chủ nhà trọ ở phường Phước Long A, TP Thủ Đức. Ảnh: Nam Dương

Nhưng chị Lý chưa phải là người gắn bó lâu nhất với gia đình bà Thương. Gia đình ông Hồ Tấn Dũng đã có 33 năm ở trọ tại đây cho hay, năm 1991, gia đình ông ở huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi vào TPHCM sinh sống và bắt đầu ở trọ tại đây từ thời bà và mẹ của bà Thương còn làm chủ. Nay đến bà Thương quản lý nhà trọ vẫn duy trì được cách chăm lo, hỗ trợ cho những người ở trọ.

“Chúng tôi luôn được bà Thương hỗ trợ từ những việc nhỏ như sửa chữa đồ hư trong phòng trọ hay liên hệ với chính quyền để làm các giấy tờ, liên hệ giúp xin học cho con cái người ở trọ, nên ai cũng yêu mến, trân quý, gắn bó lâu dài với gia đình bà Thương” - ông Dũng nói.

Tương tự, gia đình bà Nguyễn Tuyết Anh - chủ 30 phòng với gần 70 người lao động ở trọ tại Khu phố 3, Phường Linh Trung, TP Thủ Đức - cũng đã không tăng giá phòng trọ suốt từ năm 2015 đến nay.

Bên cạnh đó, gia đình bà Anh còn thường xuyên hỗ trợ người lao động ở trọ có hoàn cảnh khó khăn. Bản thân bà Anh còn dành thời gian dạy học miễn phí cho 2 bé là con người lao động ở trọ. Chính vì thế, có những người đã gắn bó với khu trọ từ lúc trẻ cho đến khi con cái đã học THPT.

Thấu hiểu, chia sẻ vì từng là công nhân

Bà Thương cho biết, trước đây, bà từng đi làm công nhân ở Công ty Dệt Phong Phú, có tham gia làm công tác công đoàn. Chính những năm tháng đó đã giúp bà thấu hiểu hơn đời sống và nhu cầu của những NLĐ khi phải đi thuê nhà trọ và luôn tìm cách hỗ trợ, chăm lo cho những người ở trọ.

Trong năm 2023, gia đình bà đã tổ chức 2 đợt tặng 100 phần quà (mỗi phần trị giá 250.000 đồng) cho những người ở trọ khó khăn. Còn dịp Tết Giáp Thìn 2024, bà Thương đã tặng 80 phần quà Tết, trị giá 200.000 đồng/phần (tổng trị giá 16 triệu đồng) cho những gia đình ở trọ.

Đại diện các gia đình công nhân, NLĐ ở trọ nhận quà Tết do bà Nguyễn Thị Tuyết Thương (bìa phải) trao tặng. Ảnh: Đức Long

Gia đình ông Nguyễn Thành Tâm - chủ nhà trọ ở Khu phố 3B, Phường Thạnh Lộc, Quận 12, TPHCM - cũng có nhiều hoạt động chăm lo cho người lao động ở trọ. Ông Tâm kể, trước đây, ông cũng từng làm công nhân khi mới từ quê ở Bình Định vào TPHCM lập nghiệp nên thấu hiểu khó khăn, vất vả của người lao động. Chính vì vậy, khi có điều kiện ông đã chăm lo, hỗ trợ cho người lao động.

Đã 18 năm qua, dịp Tết nguyên đán nào gia đình ông cũng tổ chức tiệc tất niên và tặng quà cho người lao động. Mới đây, gia đình ông đã phối hợp với LĐLĐ Quận 12 và Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Công nhân TPHCM tổ chức tiệc tất niên cho 400 người đang ở trọ với kinh phí khoảng 150 triệu đồng.

Ngoài tiệc tất niên, ông còn tặng mỗi người ở trọ một phần quà gồm dầu ăn, nước mắm, nước ngọt, một hộp bánh nhỏ để sử dụng trong những ngày Tết.

Người lao động ăn tiệc tất niên do gia đình ông Nguyễn Thành Tâm tổ chức. Ảnh: Đức Long

“Những năm trước, kinh tế còn đỡ khó khăn, dù phòng trọ vẫn thế nhưng số người ở ít hơn, chỉ hơn 200 người vì nhiều người có điều kiện ở riêng. Nhưng hai năm nay, kinh tế khó khăn hơn, nhiều người ở ghép, có phòng đến 4 người, nên số người ở trọ tăng lên.

Tôi cũng từng làm công nhân, nên hiểu được nỗi lòng của người xa quê, nhất là khi họ không có điều kiện về quê đón Tết, nên tổ chức bữa tiệc cuối năm để mọi người có bữa cơm gia đình ấm cúng và mong mọi người cùng vui vẻ, sum họp với nhau” - ông Tâm cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn