MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Phạm Chí Tâm (người đứng) - Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM - cho rằng nếu thực hiện tốt dân chủ trong doanh nghiệp thì sẽ không xảy ra tranh chấp lao động. Ảnh: Nam Dương

Doanh nghiệp không thực hiện tốt dân chủ dễ xảy ra tranh chấp lao động

Nam Dương LDO | 01/03/2022 17:18
TPHCM - Gần 50 cán bộ công đoàn đã tham gia Hội nghị góp ý cho dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (dự thảo) do LĐLĐ TPHCM tổ chức chiều 1.3.  

Còn ít doanh nghiệp công khai, minh bạch kết quả sản xuất, kinh doanh

Nhiều cán bộ công đoàn cho biết việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại doanh nghiệp hiên nay trên thực tế rất khó khăn. Theo quy định thì trách nhiệm tổ chức thuộc chủ doanh nghiệp nhưng hầu hết các chủ doanh nghiệp đều giao cho công đoàn cơ sở thực hiện.

Ông Giang Văn Nam - Trưởng Ban Tổ chức LĐLĐ TPHCM - cho biết theo quy định hiện hành, nguyên tắc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc là phải thiện chí, hợp tác, trung thực, bình đẳng, công khai và minh bạch. Thực tế cho thấy  mức độ công khai, minh bạch ở nhiều doanh nghiệp còn thấp. Luật cũng quy định các nội dung, hình thức người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải công khai liên quan đến tình hình sản xuất, kinh doanh của NSDLĐ… nhưng thực tế ít doanh nghiệp thực hiện đầy đủ việc này.

Chẳng hạn như việc thưởng Tết phụ thuộc vào kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng nhiều doanh nghiệp chỉ lấy lý do làm ăn thua lỗ để thưởng Tết thấp hơn bình thường mà không công khai kết quả sản xuất, kinh doanh dẫn đến người lao động (NLĐ) bức xúc, thậm chí có khi xảy ra ngừng việc tập thể.

Cán bộ công đoàn góp ý cho dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ảnh: Nam Dương

Ông Nam cũng cho rằng các biện pháp chế tài đối với hành vi không thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở quy định trong dự thảo còn chưa rõ ràng, cụ thể. “Nếu chế tài không cụ thể, rõ ràng việc thực thi pháp luật trên thực tế sẽ kém hiệu quả”, ông Nam nói.

Không dân chủ chỉ bằng mặt nhưng không bằng lòng”

Ông Phạm Chí Tâm - Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM -  cho rằng việc các cấp công đoàn, trong đó công đoàn cơ sở phối hợp cùng chủ doanh nghiệp thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đã góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Nếu không thực hiện tốt quy chế dân chủ thì dễ đến tranh chấp lao động hay mất đoàn kết nội bộ trong doanh nghiệp, đơn vị, thể hiện rõ nhất ở tình trạng “bằng mặt nhưng không bằng lòng”.

Lấy ví dụ về một doanh nghiệp trong KCX Linh Trung 1 vừa xảy ra ngừng việc tập thể yêu cầu tăng lương, ông Tâm cho biết lúc đầu NLĐ đề nghị tăng lương cơ bản là 200.000 đồng và bắt đầu thực hiện từ tháng 3, nhưng doanh nghiệp không đồng ý, dẫn đến tình trạng ngừng việc tập thể. Thông qua đối thoại lần 1, chủ doanh nghiệp chỉ đồng ý tăng lương 150.000 đồng và bắt đầu thực hiện từ tháng 5, nhưng NLĐ vẫn không đồng ý và tiếp tục ngừng việc. Đối thoại lần thứ 2, chủ doanh nghiệp đồng ý tăng lương 200.000 đồng và thực hiện từ tháng 4, lúc này NLĐ mới đồng ý và đi làm việc trở lại.

Một cuộc ngừng việc tập thể yêu cầu tăng lương, trong đó có nguyên nhân chưa thực hiện tốt công tác đối thoại. Ảnh: Nam Dương

Hay có tình trạng ở một trường đại học do chưa thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, đã có lúc 70 giảng viên, cán bộ, nhân viên xin nghỉ việc, gây xáo trộn hoạt động của nhà trường. Nhưng khi công đoàn tham gia tổ chức đối thoại, thực hiện đúng quy chế dân chủ ở cơ sở, thì tình trạng xin nghỉ việc này giảm đi, đến nay nhà trường đã hoạt động bình thường trở lại.

“Nếu làm tốt công tác dân chủ cơ sở thông qua đối thoại thì sẽ không xảy ra phản ứng như trên”, ông Tâm nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn