MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhu cầu được tư vấn pháp luật của người lao động ngày càng tăng (ảnh minh hoạ). Ảnh: Hải Anh

Cần đầu tư cho công tác tư vấn pháp luật

Hải Anh LDO | 20/02/2023 06:39
Hà Nội - Theo nhận định của Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội, nhu cầu tư vấn qua điện thoại, tư vấn qua thư điện tử của đoàn viên, người lao động gia tăng. Do đó, cần chú trọng đầu tư kinh phí tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật và tủ sách pháp luật tại Công đoàn cơ sở.

Chị Nguyễn Thi Lan, công nhân Khu công nghiệp Phú Thị (Gia Lâm) cho biết vào những tháng cuối năm năm 2022, chị và các công nhân cùng Công ty không thấy Công ty bố trí tăng ca để có thêm thu nhập như mọi năm nên rất băn khoăn. Dù đã được quản lý phân xưởng và tổ trưởng Công đoàn giải thích về tình hình đơn hàng nhưng chị còn muốn biết nếu chị xin nghỉ việc tại thời điểm đó (do muốn tìm công việc khác để có thêm thu nhập) thì sẽ quyền lợi được những gì. Vì vậy, chị viết thư điện tử để xin được tư vấn về pháp luật…

Chị Lan chỉ là một trong số rất nhiều người lao động có nhu cầu được tư vấn pháp luật qua điện thoại và thư điện tử. Một phần do họ không bố trí được thời gian để đến nơi tư vấn, một phần cũng còn có phần e ngại. Theo bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội năm 2022, Trung tâm đã tư vấn cho 1100 công nhân lao động qua điện thoại, thư điện tử; tư vấn cho 95 lượt công nhân lao động tại trụ sở  về những nội dung của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Luật Tố tụng dân sự... và một số các lĩnh vực pháp luật khác liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia quan hệ lao động.

Trung tâm cũng đã phối hợp với Liên đoàn Lao động các quận, huyện, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức 103 cuộc tư vấn tuyên truyền, tư vấn pháp luật lưu động cho khoảng 13.200 người lao động về quy định của Bộ Luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, chế độ tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp thất nghiệp và các độ chính sách liên quan tới quyền và nghĩa vụ của người  lao động

Từ thực tế nhu cầu của đoàn viên, người lao động, Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội đặt nhiệm vụ nghiên cứu văn bản pháp luật, thực hiện công tác tư vấn pháp luật tại trụ sở, tư vấn bằng văn bản, tư vấn qua điện thoại cho các đối tượng; cung cấp dịch vụ pháp lý cho đoàn viên Công đoàn và người lao động.

Giám đốc Trung tâm cho biết Trung tâm sẽ thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn pháp luật, trình độ sử dụng, khai thác công nghệ thông tin cho đội ngũ tư vấn viên của Trung tâm thông qua sinh hoạt nghiệp vụ hàng tuần; phối hợp với Công đoàn các cấp tổ chức giao ban trao đổi kinh nghiệm, đào tạo bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ tư vấn pháp luật cho cán bộ Công đoàn làm công tác tư vấn pháp luật.

Đặc biệt, đổi mới hình thức và đối tượng tư vấn như ký hợp đồng tư vấn và hỗ trợ cho cán bộ Công đoàn và người lao động thực hiện đúng các quy định của pháp luật; giải quyết các tình huống cụ thể có thể dẫn đến tranh chấp lao động khi người lao động không hiểu biết và người sử dụng lao động không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật. Trung tâm cũng sẽ tham mưu cho Thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố chỉ đạo Công đoàn các cấp đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của tổ Tư vấn pháp luật, nhất là kinh phí tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến và tư vấn pháp luật và tủ sách pháp luật tại Công đoàn cơ sở…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn