MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phong trào thi đua trong nữ công nhân viên chức lao động Hà Nội đạt được nhiều kết quả trong năm 2022 (ảnh minh hoạ). Ảnh: Hải Yến

Công tác khen thưởng cần minh bạch, tập trung cho người lao động trực tiếp

Linh Nguyên LDO | 03/01/2023 11:00

Hà Nội – Năm 2022 có 84% nữ công nhân viên chức lao động Thủ đô đăng ký, thực hiện và đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Tuy nhiên để phong trào thi đua đến được với số đông nữ, cần có giải pháp, một trong số đó là minh bạch trong khen thưởng.

Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội đang quản lý 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; 9.119 Công đoàn cơ sở, với tổng số 375.860 nữ đoàn viên/647.926 đoàn viên (chiếm 58%). Năm 2022, có 32.405 nữ khu vực Nhà nước và 26.810 nữ ngoài khu vực Nhà nước được biểu dương, khen thưởng trong phong trào thi đua.

Xác định công tác Thi đua – Khen thưởng là một nội dung hoạt động quan trọng của tổ chức Công đoàn, nhằm động viên khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mỗi tập thể, cá nhân trong lao động, sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao đời sống, thu nhập cho người lao động, Liên đoàn Lao động Thành phố đã chỉ đạo các cấp Công đoàn cụ thể hoá mục tiêu, nội dung tiêu chuẩn thi đua và tên gọi của phong trào cho phù hợp với tình hình thực tế và đặc điểm của từng ngành nghề, từng đơn vị, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của nữ đoàn viên, người lao động.

Gắn nội dung của phong trào với phong trào thi đua của chuyên môn, của Công đoàn; Gắn “Giỏi việc nước” với phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Công nhân giỏi”, “Sáng kiến Thủ đô”...; “Đảm việc nhà” gắn với việc phấn đấu đạt “Gia đình văn hóa", “Gia đình CNVCLĐ Thủ đô tiêu biểu”, phong trào “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”...

Bên cạnh nhiều kết quả đáng ghi nhận, thực tế cho thấy phong trào thi đua trong nữ phát triển chưa đồng đều ở một số nơi. Có những nơi phong trào còn mang nặng tính hình thức, chưa thiết thực, chưa đến được với số đông nữ công nhân viên chức lao động; nội dung thi đua còn chung chung, không được cụ thể hóa cho phù hợp với điều kiện thực tiễn; hình thức tổ chức còn chậm đổi mới. Việc duy trì và nuôi dưỡng phong trào không thường xuyên, liên tục, chưa lan toả đều khắp giữa các nhóm đối tượng (khu vực hành chính, khu vực doanh nghiệp)…

Bà Bùi Thị Thanh Giang - Trưởng Ban Nữ công Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội - phát biểu về phong trào thi đua trong nữ công nhân viên chức lao động tại Toạ đàm. Ảnh: Hải Anh 

Để khắc phục tình trạng này, trong một cuộc Toạ đàm gần đây do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức bà Bùi Thị Thanh Giang - Trưởng Ban Nữ công Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho rằng: Các cấp Công đoàn cần đổi mới việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực, hiệu quả, sát hợp với từng đối tượng, hướng về cơ sở, khẳng định rõ vai trò của tổ chức Công đoàn và đoàn viên, người lao động. Trong công tác khen thưởng cần đảm bảo chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, mang tính nêu gương, giáo dục, tập trung cho người lao động trực tiếp, khắc phục bệnh thành tích, hình thức trong thi đua, khen thưởng...

Cũng từ thực tế, bà Giang chia sẻ, để động viên và thực hiện có hiệu quả công tác vận động nữ công nhân viên chức lao động của tổ chức Công đoàn, tạo môi trường để lao động nữ phát huy tài năng, sức sáng tạo và được ghi nhận, tôn vinh, lan tỏa, Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất “Giải thưởng Tài năng sáng tạo nữ Công đoàn Việt Nam” là rất cần thiết. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn