MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Chu Ngọc Anh - Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội tại Cuộc gặp gỡ với công nhân lao động Thủ đô năm 2022 diễn ra ngày 26.5. Ảnh: Hải Nguyễn

Hà Nội: Công nhân đề nghị giá bán nhà phù hợp thực tế thu nhập

Kiều Vũ - Hải Nguyễn LDO | 26/05/2022 12:09
Hà Nội – Ngày 26.5, ông Chu Ngọc Anh – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã có cuộc gặp gỡ với công nhân lao động Thủ đô. Một trong những kiến nghị của công nhân lao động là xây dựng nhà ở giá rẻ bán cho công nhân lao động phù hợp với điều kiện thu nhập thực tế. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Thái Thu Xương đến dự.

Hội nghị gặp gỡ giữa Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố với công nhân lao động Thủ đô năm 2022 do Uỷ ban Nhân dân Thành phố và Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội tổ chức tại Khu công nghiệp Thăng Long. 

Mới có 3 khu công nghiệp có dự án nhà ở cho công nhân

Theo báo cáo, hiện nay mới có 3 khu công nghiệp: Thạch Thất - Quốc Oai, Thăng Long (Đông Anh), Phú Nghĩa (Chương Mỹ) có dự án nhà ở đáp ứng một phần nhu cầu của công nhân. Các khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân, phần lớn công nhân lao động phải đi thuê và sống trong các phòng trọ chật chội, thiếu thốn các điều kiện, mức giá thuê trọ cao đã tạo sức ép rất lớn về mật độ dân số, hạ tầng xã hội.... 

Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh thăm công nhân lao động trước khi diễn ra cuộc gặp gỡ. Ảnh: Hải Nguyễn

Với tốc độ phát triển kinh tế của Thủ đô hiện nay, số lượng nhu cầu về nhà ở của người lao động lớn, thực tế chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Đặc biệt, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 thu nhập của người lao động bị giảm sút, vấn đề nhà ở cho công nhân lao động càng khó khăn hơn.

Trước thực tế đó, Trung ương và Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai nhiều chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người lao động, chủ yếu người lao động tại các khu công nghiệp, như: Giảm giá thuê nhà trọ, giảm giá điện, nước..., vận động doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân lao động  tại nhà máy, xí nghiệp, hỗ trợ kinh phí thuê nhà cho người lao động. Các cấp Công đoàn Thủ đô đã chi 12,204 tỉ đồng, hỗ trợ 25.423 lượt công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, hỗ trợ kinh phí cho công nhân lao động thuê trọ không về quê; Tuyên truyền hướng dẫn tới 100% công nhân lao động về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1426/QĐ-UBND của thành phố Hà Nội về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn Thành phố, giúp công nhân lao động tiếp cận và thụ hưởng chính sách này sớm nhất, giảm bớt sự khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Thái Thu Xương (áo xanh) tới dự cuộc gặp gỡ. Ảnh: Hải Nguyễn

Những vấn đề vướng mắc trong việc làm, cuộc sống

Tại cuộc gặp gỡ, các kiến nghị của công nhân lao động tập trung vào vấn đề đời sống, việc làm; giao thông; thực hiện chính sách đối với công nhân lao động; quan hệ lao động và đào tạo nghề; đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp. 

Trong đó, công nhân lao động đề nghị bố trí quỹ đất, nguồn lực đầu tư xây dựng nhà trẻ, trường học, trạm y tế phục vụ công nhân lao động trong các khu công nghiệp chế xuất. Thành phố quan tâm con công nhân lao động có hộ khẩu tạm trú được học tập ở các cơ sở giáo dục công lập. Xây dựng nhà ở giá rẻ bán cho công nhân lao động, nhà ở cho cho công nhân thuê, phù hợp với điều kiện thu nhập thực tế của công nhân lao động. Quan tâm đầu tư các dự án nhà ở cho công nhân lao động để công nhân lao động sớm có thể tiếp cận có nhà ở, góp phần ổn định cuộc sống…

Các công nhân đã trực tiếp đặt hỏi về việc tại sao có nơi đã được chi trả tiền Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ trong thời gian nghỉ dịch, có nơi đến nay vẫn chưa có. Bên cạnh đó còn có các câu hỏi về việc đề nghị quy định việc bắt buộc các doanh nghiệp phải ký kết Thoả ước lao động tập thể (hiện nay mới chỉ bắt buộc thương lượng). Không chỉ đưa ra những vấn đề liên quan đến quyền lợi, nhiều công nhân lao động còn đề nghị chính quyền các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm tra các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động, Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn… đặc biệt sau thời gian bị ảnh hưởng dịch COVID-19…

Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường tại cuộc gặp gỡ. Ảnh: Hải Nguyễn

Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan trực tiếp trả lời các câu hỏi của công nhân lao động.

Công nhân lao động trực tiếp kiến nghị với Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn 

Trực tiếp tham gia trả lời một số câu hỏi của công nhân lao động, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Thành phố đã phân công và yêu cầu các bộ phận tiếp nhận, giải quyết cụ thể. Toàn bộ quy trình được phân cấp, uỷ quyền, gắn trách nhiệm từng bộ phận. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố cũng nhấn mạnh việc trả lời 22 ý kiến của công nhân lao động tại cuộc gặp gỡ cho thấy rõ trách nhiệm của các đơn vị. Đối với những việc cụ thể chưa trả lời ngay được thì giao cho lãnh đạo các đơn vị tiếp tục giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố khẳng định trong sự phát triển của Thủ đô có đóng góp quan trọng của mỗi doanh nghiệp, của mỗi công nhân lao động, của tổ chức Công đoàn. 

Tại cuộc gặp gỡ, Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội trao 50 suất hỗ trợ cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất gồm 1.000.000 đồng và túi quà trị giá 300.000 đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn