MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội thi thợ giỏi Thành phố Hà Nội năm 2023 là nơi đua tài của nhiều công nhân lao động. Ảnh: Mạnh Quân

Hiệu quả với công nhân khi chuyển trọng tâm thi đua khen thưởng về cơ sở

Kiều Vũ LDO | 13/02/2024 19:56

Hà Nội - Phong trào thi đua trong công nhân viên chức lao động Thủ đô đã trở thành “thương hiệu” với các danh hiệu Công nhân giỏi Thủ đô; “Sáng kiến, sáng tạo trong công nhân viên chức lao động Thủ đô; Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi… Đặc biệt, hiện việc chuyển trọng tâm thi đua khen thưởng về cơ sở đã góp phần thúc đẩy công nhân viên chức lao động tham gia thi đua.

Việc chuyển trọng tâm thi đua khen thưởng về cơ sở, động viên khen thưởng những nhà quản lý, nhà khoa học và công nhân lao động trực tiếp có sáng kiến, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh đã là yếu tố quan trọng để các phong trào thi đua do Công đoàn Hà Nội phát động ngày càng thu hút đông đảo số người tham gia.

Năm 2023, toàn thành phố có 94.523 sáng kiến của công nhân viên chức lao động được công nhận ở cấp cơ sở, 1.906 sáng kiến của công nhân viên chức lao động được công nhận ở cấp trên cơ sở. Từ 609 sáng kiến và đề tài khoa học được lựa chọn đề nghị từ cấp trên cơ sở, Hội đồng thi đua Liên đoàn Lao động Thành phố xét chọn và công nhận 100 “Sáng kiến, sáng tạo trong công nhân viên chức lao động Thủ đô” năm 2023 và quyết định tặng Bằng khen của Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động Thành phố cho 100 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Lao động sáng tạo” năm 2023.

Ngoài ra, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cũng đã tổ chức tuyên dương 100 “Công nhân giỏi Thủ đô” năm 2023.

Một trong những điển hình của phong trào thi đua do Công đoàn phát động là anh Đỗ Ngọc Lĩnh - Trưởng nhóm thiết kế sáng tạo tại Phòng thiết kế của Công ty Cổ phần Ứng dụng công nghệ & CNC Việt Nam. Anh Lĩnh cùng các cộng sự có sáng kiến “Ứng dụng robot nâng cao trình độ tự động hóa trong ngành đúc”, mang lại giá trị làm lợi cho lớn cho công ty. Robot được ứng dụng trong quá trình sản xuất đúc sản phẩm, hoạt động 24/24 giờ tại công ty thể hiện nhiều tính năng ưu việt như giảm tai nạn lao động và ô nhiễm.

Robot đã thay thế được 7 người lao động; số lượng sản phẩm làm ra tăng gấp 10 lần so với trước đây; thành phẩm tạo ra luôn có độ chính xác cao, tỉ lệ lỗi thấp nhất. Nhờ đó, công ty không chỉ giảm được chi phí nhân công mà còn giảm được các chi phí nguyên vật liệu, chi phí sản xuất liên quan...

Anh Lĩnh cho biết, chính phong trào thi đua do Công đoàn tổ chức đã là động lực để anh cùng các đồng nghiệp hăng hái lao động sản xuất, tìm tòi, sáng tạo đem lại giá trị làm lợi lớn cho doanh nghiệp. Trong cái lợi cho doanh nghiệp, bản thân những người có cống hiến như anh Lĩnh cũng được hưởng nhiều quyền lợi cho cá nhân, trong đó có tăng thu nhập. Sáng kiến của anh Đỗ Ngọc Lĩnh và các cộng sự là một trong hàng nghìn sáng kiến đã được các doanh nghiệp và các cấp Công đoàn Thủ đô ghi nhận, biểu dương, khen thưởng.

Không chỉ phát động phong trào thi đua mà các cấp Công đoàn Hà Nội còn tổ chức “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi” với hoạt động chính là tổ chức Hội thi thợ giỏi của các cấp Công đoàn. Hoạt động này đã tạo cơ hội để đông đảo công nhân lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của Thủ đô…

Hiệu quả từ các phong trào thi đua do Công đoàn tổ chức ngày một nhiều đã thể hiện vai trò đồng hành cùng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống việc làm cho người lao động; tích cực góp phần nâng cao nhận thức xã hội về vai trò kỹ năng nghề nghiệp của người lao động...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn