MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lễ ký kết Quy chế phối hợp giữa Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội và Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội. Ảnh: Kiều Vũ

Phối hợp hoàn thiện hồ sơ khởi kiện vi phạm pháp luật về Bảo hiểm xã hội

Kiều Vũ LDO | 05/06/2023 18:10

Hà Nội – Chiều 5.6, ông Phạm Quang Thanh – Uỷ viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội và ông Phan Văn Mến – Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội ký Quy chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2023-2028.

Một trong những mục đích của việc ký Quy chế là phát huy vai trò, thế mạnh của mỗi cơ quan trong chỉ đạo, triển khai, thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Công đoàn, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thi hành. Hướng tới mục tiêu thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp theo tinh thần Chỉ thị số 37- CT/TW ngày 3.9.2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII).

Nguyên tắc là các bên chủ động, tích cực trong việc phối hợp cũng như đảm bảo vai trò, trách nhiệm và tính độc lập của từng cơ quan; việc phối hợp phải thường xuyên, kịp thời, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, bám sát vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy – Hội đồng Nhân dân – Uỷ ban Nhân dân thành phố và cơ quan quản lý cấp trên, trên cơ sở tôn trọng, tạo điều kiện để mỗi cơ quan hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Hai bên phối hợp tuyên truyền việc nợ, trốn đóng Bảo hiểm xã hội, vi phạm các quy định về Bảo hiểm xã hội của đơn vị sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động khi giải quyết các chế độ Bảo hiểm xã hội như hưu trí, ốm đau, dưỡng sức phục hồi sức khoẻ, thai sản, tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp, tử tuất, khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế, quyền và lợi ích của đoàn viên, người lao động…

Bảo hiểm xã hội chỉ đạo Bảo hiểm xã hội cấp huyện phối hợp với Công đoàn cùng cấp trong việc chỉ đạo, tổ chức và thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi của người lao động. Liên đoàn Lao động thành phố có trách nhiệm phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố trong việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp; giải quyết đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Bảo hiểm xã hội thành phố có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ cho Liên đoàn Lao động thành phố và phối hợp hoàn thiện hồ sơ để tổ chức Công đoàn khởi kiện ra Tòa đối với các đơn vị, doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời tham gia tố tụng tại Tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam…

Theo Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội, đến tháng 5.2023, số người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc là 1.985.015 người, tăng 2.253 người, tăng 0,11% so với 31.12.2022; chiếm 41,5% lực lượng lao động trong độ tuổi (tăng 20,1%) so với năm 2018. 

Số người tham gia Bảo hiểm y tế là 7.720.523 người; tăng 3.414 người, tăng 0,04% so với 31.12.2022; tỉ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt 93,5% dân số; (tăng 19,27%) so với năm 2018.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn