MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ Công đoàn đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ảnh: Kiều Vũ

Trên 1,1 triệu lao động bị ảnh hưởng do doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội

Kiều Vũ LDO | 05/10/2023 11:30

Hà Nội - Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri với cán bộ Công đoàn, công nhân lao động Thủ đô và lấy ý kiến góp ý vào một số Dự thảo Luật vào sáng 5.10, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Lê Đình Hùng cho biết, hiện có trên 1,1 triệu người lao động bị ảnh hưởng do doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội.

Hội nghị do Liên đoàn Lao động, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội tổ chức.

Được biết, trong quá trình lấy ý kiến, đã có 35 ý kiến của cán bộ Công đoàn, công nhân lao động Thủ đô đóng góp ý kiến vào các Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Thủ đô (sửa đổi).

Về bảo hiểm xã hội, ông Lê Đình Hùng cho biết, số người tham gia bảo hiểm xã hội của thành phố tăng 7,8% so với năm 2022. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chiếm 40,4% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội còn cao, nhiều doanh nghiệp nợ, trốn đóng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Tính đến tháng 8.2023, có trên 83.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 2 tháng trở lên, với số tiền nợ trên 5.300 tỉ đồng, làm ảnh hưởng đến chế độ chính sách của trên 1,1 triệu người lao động.

Một số nội dung của Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nhận được ý kiến đóng góp là quy trình để người lao động khởi kiện khi chính sách bảo hiểm xã hội bị vi phạm; điều kiện hưởng chế độ ốm đau; những bất cập hiện nay như chức danh nghề, xử lý khi chậm đóng/đóng thiếu…

Đối với Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), về cơ chế chính sách hỗ trợ công nhân lao động thuê, mua nhà ở xã hội, có ý kiến góp ý là thủ tục vay vốn để mua nhà ở tại tổ chức tín dụng hay ngân hàng chính sách xã hội còn khó khăn; cần thay đổi nội dung phải có hợp đồng thuê, mua nhà ở xã hội thì mới được vay vốn. Khoản 4 điều 50 Luật Nhà ở mới quy định về việc hỗ trợ vay vốn với trường hợp xây dựng cải tạo nhà ở xã hội chứ chưa có quy định về việc thuê, mua nhà ở xã hội thì được ưu đãi như nào…

Về nhóm ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đáng chú ý là đề nghị Luật Thủ đô sửa đổi nên cụ thể hơn, tập trung bổ sung đưa vào những cơ chế, chính sách có tính đặc thù, có trọng tâm, trọng điểm, vượt trội hơn so với chính sách áp dụng chung khi chưa có Luật Thủ đô. Cụ thể, nên đưa vào Luật Thủ đô chính sách cơ chế thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao, ví dụ, tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp thủ khoa các trường đại học, tốt nghiệp đại học, thạc sĩ du học ở tự túc ở nước ngoài về có nguyện vọng làm việc trong cơ quan nhà nước với định mức lương khi vào làm việc gấp 3-5 lần mức lương hiện tuyển dụng công chức hưởng lương ngạch bậc theo quy định hiện hành…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn