MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Niềm vui của người lao động các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội khi được ghi nhận đã có sáng kiến, sáng tạo trong công việc. Ảnh: CĐN

Tự hào vì được cống hiến và khẳng định năng lực sáng tạo

Kiều Vũ LDO | 11/06/2022 10:28

Tổng số lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội là 164.957 người. Các phong trào thi đua Lao động giỏi, Lao động sáng tạo và gần đây nhất là Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” (Chương trình) được các Công đoàn cơ sở triển khai cụ thể để mỗi đoàn viên, người lao động tự hào vì được khẳng định năng lực sáng tạo của bản thân.

Càng khó khăn càng khát vọng cống hiến

Năm 2022, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng phong trào thi đua phấn đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” và phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo” vẫn luôn được công nhân lao động và người sử dụng lao động ở hầu hết các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội nhiệt tình hưởng ứng.

Đó là kết quả của việc cụ thể hoá phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, qua đó nhằm động viên công nhân lao động trực tiếp sản xuất tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng lao động, đạt năng suất chất lượng hiệu quả cao trong công việc, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.  

Một trong những điển hình của phong trào này là chị Nguyễn Thị Liên, công nhân Công ty TNHH Thời Trang Star. Từ năm 2014 đến tháng 4.2022 đạt nhiều tháng nằm trong top công nhân có hiệu suất và thu nhập cao nhất của Công ty. Chị luôn đạt lao động giỏi xuất sắc, chuyên cần và tay nghề giỏi, có nhiều sáng kiến cải tiến mẫu mã, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm và hoàn thành tốt công việc được giao, sản phẩm được nhiều thị trường trên thế giới yêu thích, góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong sản xuất kinh doanh, ổn định và phát triển bền vững.

Hưởng ứng Chương trình, các Công đoàn cơ sở đã lựa chọn hơn 2.000 sáng kiến tham gia. Trong đó, anh Nguyễn Danh Tuyến - Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam – với sáng kiến “Cải tiến giảm chi phí lá đồng báo phế” đã giảm được chi phí sử dụng lá đồng tương đương 812 triệu/1 tháng (35.305 USD/1 tháng), làm lợi cho Công ty gần 10 tỉ đồng/năm. Cụ thể anh Tuyến cải tiến sửa chữa máy móc đồng thời kết hợp với đánh giá thay đổi cải tiến phương pháp và cách thức sử dụng lá đồng trong công đoạn ép lớp để cải tiến giảm lượng lá đồng báo phế là nguyên vật liệu chính của sản xuất. 

Hay như sáng kiến “Tái sử dụng cán pin máy checker” của anh Phùng Viết Minh, Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI Việt Nam cũng làm lợi cho Công ty nhiều tỉ đồng. Anh Minh đã tìm cách tái sử dụng cán pin checker, chỉ mua mới thân pin rồi hàn với cán pin cũ, giảm giá thành pin mới từ 12,7 USD xuống 4.3 USD/chiếc. Trong thời gian từ tháng 5.2021 đến tháng 4.2022 làm lợi cho công ty hơn 10 tỉ đồng/năm...

Thi đua là động lực hết  quan trọng để khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo

Từ thực tế trong triển khai các phong trào thi đua, ông Đinh Quốc Toản – Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội – khẳng định thi đua là động lực hết sức quan trọng để khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo, ý thức trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng tăng năng suất lao động, giảm hàng lỗi hàng hỏng, cải tiến mẫu mã, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh của mỗi công nhân lao động. 

Khi trao đổi về vấn đề này với các cán bộ Công đoàn Thủ đô, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải đã yêu cầu tiếp tục làm sâu sắc hơn niềm tự hào vì được cống hiến và khẳng định năng lực sáng tạo của công nhân Việt Nam. Chương trình 1 triệu sáng kiến giai đoạn 1 đạt kết quả tốt, nhưng cần duy trì sự tập trung để thành công hơn nữa vì sự thành công này thể hiện vai trò tổ chức công đoàn tham gia tích cực trong quá trình khôi phục và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19. 

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải: Lao động sáng tạo không chỉ là năng lực riêng có của một hoặc một vài người mà cần rộng lớn và duy trì bền vững. Điều này trở thành hiện thực một khi doanh nghiệp trao cho công nhân sự kỳ vọng, trang bị tri thức về sáng kiến, cải tiến sát hợp công việc, có chính sách động viên thỏa đáng. 

Hành động có ý nghĩa sâu xa trong giai đoạn 2 của Chương trình là các cấp Công đoàn quán triệt sâu sắc, tiến hành quyết liệt, động viên công nhân đồng hành với người sử dụng lao động phát huy sáng kiến, cải tiến, nâng cao năng suất lao động, thực hành tiết kiệm. Việc làm này với những kết quả thuyết phục về ý thức lao động và giá trị làm lợi không chỉ là cơ sở để công nhân có việc làm ổn định, thu nhập từng bước được cải thiện, có thêm điều kiện thực hiện những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống mà còn làm cho người sử dụng lao động và xã hội nhận rõ hơn một hình ảnh mới về năng lực lao động sáng tạo của công nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn