MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Công nhân ăn Tết xa quê

ĐÌNH TRỌNG LDO | 08/02/2024 10:54

Công việc bấp bênh, thu nhập không đều, nhiều công nhân lao động tiếp tục ở lại Bình Dương ăn Tết xa quê. Dù buồn, nhưng phương án này giảm bớt chi phí đi lại, để dịp năm mới đỡ vất vả hơn.

Năm 2024, do cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhiều công nhân lao động ngoại tỉnh ở lại Bình Dương ăn Tết xa quê.
Tại Công ty TNHH Giày An Thịnh (khu công nghiệp Sóng Thần 2, phường Dĩ An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương) có khoảng 900 công nhân thì đã có đến khoảng 260 công nhân ở lại Bình Dương ăn tết ở các nhà trọ tại thành phố Thuận An và Dĩ An. Hầu hết công nhân không về quê đều là những người còn ở trọ, đời sống gặp khó khăn. Họ đành ở lại dịp Tết, giảm bớt chi phí đi lại để năm mới đỡ vất vả hơn.
Chị Trần Thị Hồng (37 tuổi, quê Quảng Bình, làm công nhân 4 năm rồi chưa về quê ăn Tết, 2024 là năm thứ 5 liên tiếp xa quê. "Gia đình không có tiền, tôi thì đang có bầu, muốn về lắm nhưng đành phải ở lại. Nếu về quê thì phải chi phí tàu xe, mua sắm, quà cho gia đình hai bên nội ngoại,.... Sợ sau Tết trở lại không còn tiền tiêu, đóng học cho con. Vì vậy gia đình ở lại để tiết kiệm chi phí" chị Trần Thị Hồng chia sẻ.
Trong khi đó chị Lê Thị Hiền đã 12 năm rồi chưa về quê Nghệ An dịp Tết. “Quê ở xa, tôi tính nếu về quê đi xe rẻ nhất cũng 1,8 triệu/vé, gia đình 4 người tiền đi về phải tốn ít nhất 13 triệu đồng. Năm nay kinh tế khó khăn, rồi con cái nữa nên đành tiếp tục ở lại nhà trọ ăn Tết. Xa quê nhớ nhà, nhớ cha, buồn lắm nhưng chưa có điều kiện cũng đành chịu thôi" - chị Hiền ngậm ngùi chia sẻ.
Đối diện Khu công nghiệp Bình Dương (phường An Bình, thành phố Dĩ An) có hàng chục dãy nhà trọ. Năm nay, khu này vẫn còn nhiều trẻ em vui chơi ở các dãy nhà trọ.
Tại một nhà trọ ở khu phố Bình Đường 2, phường An Bình, thành phố Dĩ An có 14 phòng thì có đến 6 phòng ở lại ăn Tết xa quê.
Chị Nguyễn Thị Trang (quê Nghệ An) làm việc ở khu vui chơi nhưng công việc và thu nhập cũng bấp bênh. Năm nay không có tiền tích lũy nên cũng đành ở lại Bình Dương. “Cũng không mua sắm gì nhiều đâu. Có cái bánh chưng, cân chả, ít hoa quả, bánh kẹo cho con là được rồi. Ở lại Bình Dương để tiết kiệm chi phí, ra tết còn có tiền cho con sinh hoạt“ - chị Trang nói.
Gia đình anh Đặng Văn An (quê Vĩnh Phúc) cũng 3 năm liên tiếp chưa về quê ăn Tết. Theo anh An, 2 năm dịch liên tiếp, năm nay thì ít tăng ca. Mỗi tháng chỉ hưởng lương cơ bản 5,5 triệu, mấy tháng cuối năm mới bắt đầu được tăng ca. Về quê tiền vé xe, vé máy bay quá đắt đỏ, nên không thể chi trả.
Nhắc đến về quê là vợ anh Đặng Văn An lại khóc. “Ông bà nhớ con, nhớ cháu nhưng không về được, ông bà ở quê buồn lắm. Kinh tế khó khăn đành phải chịu thôi. Vợ mình lại mới thất nghiệp, nên gia đình quyết định ở lại Bình Dương. Ngày Tết ở lại nhà trọ, đối với công nhân khó khăn thì cũng như ngày thường, không có tiền mua hoa hay sắm sửa gì nhiều" - anh An tâm sự.
Trong khi đó, gia đình anh Nguyễn Mạnh Hùng (41 tuổi, quê Nghệ An) 5 người 3 thế hệ cũng ăn Tết ở phòng trọ chưa đầy 20m2. "Tôi làm lĩnh vực sơn nước, vợ làm công nhân. Năm nay khó khăn nên đành ăn Tết xa quê. Mỗi tháng tiền trọ, tiền điện nước hết 2,5 triệu đồng, tiền học cho con hết 4 triệu. Như vậy là đã hết một phần lương của mình, tiền ăn thì phần lương của vợ trang trải. Ăn Tết xa quê cũng giản dị thôi, có gì ăn nấy. Ở lại đây, tiết kiệm một phần chi phí, hy vọng qua năm đỡ vất vả hơn" - anh Hùng chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn