MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sản phẩm tò he của người dân làng Xuân La (xã Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Nội).

Làng đổi đời từ nghề làm “tò he”: Xây nhà tầng, mua xe ga

Trường Hùng LDO | 15/09/2018 09:56

Gần 1.000 hộ dân làm tò he, khoảng 200 người sinh kế chính bằng tò he, người nhiều tuổi nhất năm nay đã ngoài 80, ít tuổi nhất mới có 18, nhờ tò he nhiều người đã xây được nhà tầng và mua được xe tay ga... là những diện mạo mới của làng tò he – Xuân La (xã Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Nội) đón Rằm Trung thu năm nay.

Theo ông Đặng Văn Tẫn (60 tuổi) – Ban Chấp hành Câu lạc bộ Tò He, ngoài 3 tháng đầu năm, tò he được người dân mua dịp Trung thu là nhiều nhất. Xưa người dân chủ yếu mua các con giống (12 con giáp), con bánh (nải chuối, quả cau, chân giò,...).
Ngày nay người dân mua đa dạng hơn như những nhân vật trong phim hoạt hình: siêu nhân, người nhện, chú bộ đội... Do đó mà người làm tò he phải luôn linh hoạt thay đổi theo thị hiếu phim hoạt hình của trẻ thì mới mong bán được.
Giá bán trung bình 20.000 đồng/con, mỗi ngày đi nặn một người thu nhập khoảng 500.000-700.000 đồng, trung bình mỗi tháng khoảng 10.000.000 đồng/người.
Nhờ hiệu quả kinh tế đó, trong làng ngày càng có nhiều người chọn nghề này làm nghề chính, nhất là các bạn trẻ tuổi 18 và đã có nhiều người sau vài năm cố gắng đã thay đổi cuộc đời (xây nhà, mua xe).
Sự tiếp nối này vô hình chung đang mang một luồng sinh khí mới vào sản phẩm tò he của làng. Các sản phẩm dần thoát ra khỏi sự đơn điệu của các thế hệ đi trước, tiếp biến với những sản phẩm đầy sáng tạo nhưng cũng rất cổ truyền từ chất liệu.
Những năm gần đây, để khắc phục hạn chế về chất liệu – làm từ bột gạo nên sản phẩm để không được lâu, chỉ khoảng 2-3 ngày là bị nứt và bị mốc, nhiều người làng đã mạnh dạn sử dụng bột Thái Lan với ưu điểm – dẻo, sản phẩm sau khi hoàn thành có độ bền lên đến hàng tháng.
Dịp Trung thu năm nay thay vì ưa chuộng những siêu nhân, nàng công chúa như những ngày thường, bậc phụ huynh lại thích mua những sản phẩm tò he có gốc gác truyền thống như 12 con giáp cho các con.
Mới đầu Rằm nhưng số lượng đơn đặt hàng của chị Nguyễn Thị Thảo (28 tuổi) đã lên tới 1.000 con, giá bán buôn là 15.000 đồng/con. Khách hàng của chị là các trường học, các khu vui chơi giải trí. Ngoài ra vào những lúc cuối tuần, vợ chồng chị Thảo cũng thường mang đồ nghề xuống phố đi bộ Hoàn Kiếm, Công viên Thủ Lệ nặn tò he bán cho khách thăm quan.
“Cái nghề này đến lạ chỉ cần ít bột và phẩm màu trong tay thêm chiếc xe nữa là có thể ‘lông bông’ cả ngày”, ông Tẫn tổng kết 36 năm theo nghề tò he của mình.
Chữ “lông bông” ở đây được ông Tẫn trân trọng đặt trong ngoặc kép, cũng là nỗi vất vả truân chuyên của người dân nơi đây – đi suốt ngày, nhiều khi lên tới hàng tháng mới được về nhà (theo các hội dịp Tết ở Thanh Hóa, Nghệ An...), theo nghề để đổi đời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn