MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc dùng mạng xã hội cũng gây phát thải. Ảnh: Tô Thế

1 phút lướt Tiktok, Facebook cũng gây phát thải CO2

Nguyễn Hà LDO | 15/12/2023 11:57

1 phút lướt Tiktok có thể gây phát thải 2.63g CO2, 1 phút Facebook gây phát thải 0.79g CO2...

Thông tin này được ông Tô Thanh Sơn - Giám đốc Phát triển bền vững SGS Việt Nam đưa ra tại Hội thảo kỹ thuật về phát triển bền vững: Giải pháp ESG: Hành trình Net Zero và tín chỉ carbon diễn ra ngày 15.12 tại Hà Nội.

Kể từ khi mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính (KNK) bằng 0 vào năm 2050 được chính thức đưa vào Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, việc kiểm soát và báo cáo kiểm kê KNK đã trở thành một hoạt động bắt buộc của rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Các cơ sở, lĩnh vực thuộc danh mục của Quyết định 01/2022/QĐ-TTg đang ráo riết tìm hiểu và thực hiện những hoạt động cần thiết để đo lường, kiểm kê và báo cáo KNK theo quy định. Tuy vậy, ở cấp độ doanh nghiệp, đây vẫn là một vấn đề tương đối mới và rất cần có những hướng dẫn kỹ thuật để tuân thủ thực hiện.

Song song đó, trong bối cảnh thị trường carbon trong nước sẽ bắt đầu thí điểm từ năm 2025, vận hành chính thức từ năm 2028, vấn đề trao đổi và bù trừ tín chỉ carbon cũng đang thu hút sự quan tâm rất lớn từ các doanh nghiệp. Đây vừa là thách thức và cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận các giải pháp xanh, giảm phát thải đồng thời nhận lại những giá trị thực tế từ các tín chỉ carbon này.

Hội thảo là diễn đàn để các cơ quan nhà nước, các tổ chức, hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi về những vấn đề kỹ thuật cụ thể trong hoạt động kiểm kê khí nhà kính; cách thức tham gia vào thị trường carbon thông qua việc thực hiện cơ chế trao đổi, bù trì tín chỉ carbon; đồng thời tìm ra giải pháp toàn diện cho cam kết thực thi phát triển bền vững thông qua những chương trình chứng nhận ESG.

Tại Hội thảo, ông Tô Thanh Sơn - Giám đốc Phát triển bền vững SGS Việt Nam đã phân tích một số sản phẩm gây phát thải CO2 trong quá trình sản xuất như sản xuất 1 tấn than đá sẽ gây phát thải 2 tấn CO2; sản xuất 1 đôi giày chạy gây phát thải 13 kg CO2; sản xuất 1 chiếc quần jean gây phát thải 19.95 kg CO2.

Đáng chú ý, việc sản xuất 1 phút Tiktok, Facebook, Youtube cũng gây phát thải CO2 tương ứng là 2.63 g, 0.79 g, 0.46 g.

Ông Tô Thanh Sơn trao đổi với PV bên lề hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hà

Trao đổi với Lao động bên lề Hội thảo về vấn đề này, ông Tô Thanh Sơn cho biết, hiện nay các nhà mạng xã hội đã tính toán ra đơn vị phát thải trong 1 phút lướt web, Facebook hay Tiktok là bao nhiêu vì đó là những tập đoàn của đại chúng. Họ cũng tự tuyên bố rằng có trách nhiệm với xã hội, trên hành trình phát triển bền vững, họ cũng phải đưa ra các chương trình để giảm thiểu carbon.

"Đây là con số đã giảm so với con số ban đầu khá cao, họ đang mong muốn giảm dần, mỗi phút lướt Facebook, Youtube, Tiktok sẽ dần được kéo xuống zero khí thải carbon. Tôi tin rằng điều này sẽ làm được, vì đây là một ngành có công nghệ khá tốt, tiếp cận các nguồn năng lượng tái tạo hay, họ dùng ngân quỹ đầu tư các ngành khác để bù trừ với nhau rất dễ" - ông Sơn cho biết.

Tại Hội thảo, ông Phạm Hồng Quân – Nhà sáng lập và cố vấn chiến lược Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đã chia sẻ về thị trường carbon, Tín chỉ Carbon; Hiện trạng, khung pháp lý về Thị trường carbon tại Việt Nam; Các cơ hội khi tham gia Thị trường carbon.

Ông Phạm Hồng Quân chia sẻ về thị trường tín chỉ carbon tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hà

Theo ông Quân, kiểm kê khí nhà kính là bước ban đầu để các doanh nghiệp biết được lượng giảm phát thải của mình và kết quả trong quá trình hoạt động sản xuất. Tuy nhiên sau khi thực hiện kiểm kê khí nhà kính, sẽ phải xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải của doanh nghiệp, phải được bên thứ 3 công nhận theo tiêu chuẩn. Trong thời gian tới, không chỉ ở Việt Nam và các đơn vị thẩm định khác trên thế giới sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước trong công tác thẩm định báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn