MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cá thể vich được phát hiện tại Quảng Trị hồi tháng 2.2022 được thả về biển. Ảnh: CTV

1 triệu/8 triệu loại động, thực vật trên hành tinh bị đe doạ tuyệt chủng

Nguyễn Hà LDO | 05/06/2022 09:04

1 triệu trong tổng số 8 triệu loài động, thực vật trên hành tinh đang bị đe dọa tuyệt chủng; mỗi năm có khoảng 10 triệu ha rừng bị mất kéo theo nhiều loài thực vật bị suy giảm. 

Nhân ngày Môi trường thế giới 5.6.2022, Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và môi trường).

Thưa ông, Ngày Môi trường thế giới 5.6.2022 được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Chỉ một Trái Đất”. Ông có thể phân tích ý nghĩa của chủ đề năm nay? 

- Cách đây 50 năm, Hội nghị Liên Hợp Quốc về môi trường và con người được tổ chức tại Stockhom, Thụy Điển đã lần đầu nhấn mạnh mối quan hệ giữa con người và môi trường với thông điệp “Chỉ một Trái đất” để thống nhất cùng chung tay bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta.

Đến nay, sau 50 năm, nhân loại vẫn đang phải đối mặt với khủng hoảng kép do đại dịch COVID, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và mất đa dạng sinh học. Các số liệu do Diễn đàn liên chính phủ Liên Hợp Quốc về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái công bố cho thấy thực trạng rất đáng quan ngại: 1 triệu trong tổng số 8 triệu loài động, thực vật trên hành tinh đang bị đe dọa tuyệt chủng; mỗi năm có khoảng 10 triệu ha rừng bị mất kéo theo nhiều loài thực vật bị suy giảm. 

Vì vậy, “Chỉ một Trái đất” với phương châm trọng tâm “sống bền vững hài hòa với thiên nhiên” tiếp tục được UNEP lựa chọn là chủ đề của Ngày Môi trường thế giới 2022. Thông điệp này cùng với chủ đề “Xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống” của Ngày Quốc tế đa dạng sinh học đã phát đi mệnh lệnh khẩn cấp để các quốc gia phải quyết tâm hành động và mỗi người chúng ta không được quên rằng chỉ có duy nhất một “Ngôi nhà tự nhiên” chung cho muôn loài trong cả vũ trụ với hàng tỉ ngân hà và hàng tỉ hành tinh. 

Chương trình đổi rác lấy quà được các em học sinh hào hứng và phấn khởi tham gia. 

Năm 2022 có ý nghĩa quan trọng với việc Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 được chính thức áp dụng từ ngày 1.1.2022. Đến nay, việc phổ biến, hướng dẫn các quy định Luật, để Luật đi vào cuộc sống đang được phía Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai như thế nào thưa ông?

- Luật Bảo vệ môi trường 2020 với nhiều cơ chế, chính sách mới đánh dấu một bước phát triển mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT). 

Để các cơ chế, chính sách của Luật sớm đi vào cuộc sống ngay khi có hiệu lực thi hành, Bộ TNMT đã rất khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, bao gồm: Nghị định quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật BVMT về ứng phó với biến đổi khí hậu và Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT.

Những sản phẩm thân thiện với môi trường được khuyến khích.

Việt Nam đang nằm trong bối cảnh chung của toàn cầu đó là phải đối mặt với tình trạng suy thoái đa dạng sinh học với tốc độ ngày càng nhanh hơn. Để khắc phục tình trạng trên, chúng ta cần làm gì thưa ông?

- Để triển khai thực hiện, cần tập trung một số giải pháp trọng tâm sau: Nghiêm túc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. 

Tăng cường công tác tuyên truyền, không khai thác, buôn bán, lưu giữ, tiêu thụ động vật hoang dã nguy cấp; tích cực tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, các cảnh quan thiên nhiên…

Thúc đẩy lồng ghép nội dung về bảo tồn đa dạng sinh học trong các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch, của tất cả các lĩnh vực bao gồm nông, lâm, ngư nghiệp, du lịch, giao thông, phát triển năng lượng tái tạo,…

Đẩy mạnh xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu hướng tới việc số hóa công tác quản lý, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, phù hợp với Chính phủ điện tử ngành tài nguyên và môi trường.

Đẩy mạnh tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan, bộ, ban ngành cũng như chính quyền địa phương và các bên liên quan khác để giải quyết các vấn đề nóng về quản lý, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong giai đoạn hiện nay ngày một tốt hơn. 

Xin cảm ơn chia sẻ của ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn