MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những cánh rừng phòng hộ ven biển Sóc Trăng cứ vươn dài ra biển. Ảnh: Phương Anh

20 năm vẫn cần mẫn trồng rừng, hiệu quả từ việc bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng

Phương Anh LDO | 09/08/2023 11:21

Sóc Trăng có diện tích rừng phòng hộ ven biển trên 6.788 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Cù Lao Dung, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Trong những năm qua diện tích rừng không ngừng phát triển, vì vậy ngoài công tác quản lý của các ngành chức năng thì các tổ, nhóm quản lý rừng dựa vào cộng đồng cũng phát huy vai trò quan trọng trong việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng phòng hộ.

20 năm vẫn cần mẫn trồng rừng

Ông Sơn Túp ở xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) năm nay đã ngoài 60 tuổi. Ông đã dành 1/3 cuộc đời để gắn liền với những vạt rừng ven biển. Hằng ngày, mỗi khi thủy triều xuống, có khi là sáng sớm hay tối muộn, ông Túp vẫn vượt hơn 3km đường bùn đến bãi bồi trồng từng cây mắm, cây đước.

Ông Sơn Túp (xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) gắn bó với công việc trồng rừng đã 20 năm. Ảnh: Phương Anh

20 năm qua, ông Sơn Túp không nhớ hết mình đã trồng được bao nhiêu, chỉ biết cây rừng đã bám đất, vượt qua giông bão để phát triển thành cây cao to khỏe và ken dày thành những cánh rừng xanh mướt.

Ông Sơn Túp cho biết, khoảng 20 năm trước, vùng bãi bồi Lạc Hòa này chỉ toàn là bùn đất kéo dài từ mé biển lên hàng cây số. Cây rừng thưa thớt, hầu như không có sinh vật nào sống được. Rồi chính quyền địa phương triển khai chương trình trồng rừng ngập mặn ven biển, ông đã tham gia cho đến ngày nay.

“Cây rừng phát triển, tôm cua cá về trú ngụ sinh sản càng nhiều. Nếu rừng mà mất thì mình cũng chẳng còn nguồn để sống. Người dân ở đây bắt cua, lưới cá, ba khía rồi ốc len, vọp để có tiền trang trải cuộc sống. Củi thì vào rừng tìm những gốc đước, gốc mắm bị chết khô đem về nấu. Ai đã sống và gắn bó với nơi đây đều yêu cánh rừng”, ông Sơn Túp trải lòng về công việc bám đất giữ rừng của mình.

Người dân tham gia vào công tác trồng rừng phòng hộ ven biển Sóc Trăng. Ảnh: Phương Anh

Ông Kim Nạn cũng ở xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) - người có trên 25 năm gieo mầm xanh trên bãi bồi ven biển Lạc Hòa. Những ngày đầu của chương trình trồng rừng phòng hộ ven biển Sóc Trăng, ông đã có mặt đầu tiên trên các bãi bồi bất kể ngày nắng hay mưa.

Ban đầu, ông nhận trồng đơn lẻ rồi tập hợp mọi người thành từng đội, đứng ra hợp đồng trồng rừng. Suốt mấy chục năm qua, ông và đồng đội đã giúp cho những cánh rừng phòng hộ ven biển Sóc Trăng ngày một nhiều hơn, góp phần bảo vệ cuộc sống của những vùng đất ngập nước ven biển.

Ông Kim Nạn cho biết: “Mình trồng rừng là để lại cho con cháu về sau hưởng thụ lợi ích. Bởi trồng rừng vững đất, có rừng mới có nguồn lợi tự nhiên. Rừng ngăn sóng biển đánh vào đất liền, bảo vệ vùng đệm bên trong để bà con sản xuất”.

Bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng

Sóc Trăng có trên 6.788 ha rừng ngập mặn chạy dài 72km bờ biển từ huyện Cù Lao Dung đến thị xã Vĩnh Châu. Trong bối cảnh quỹ đất sản xuất phía trong rừng ngập mặn ngày càng thu hẹp, rừng ngập mặn của tỉnh vẫn đang bị suy giảm và không ngừng chịu sức ép của nước biển dâng, sóng biển tấn công, cũng như tác động của con người khai phá rừng để nuôi tôm, sản xuất nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Vì vậy phát triển, bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng là phương châm được tỉnh Sóc Trăng thực hiện trong nhiều năm nay. Bởi cộng đồng là những người trực tiếp sống, gắn bó và hiểu nguồn lợi từ rừng mang lại.

Trên cơ sở đó, ngành lâm nghiệp và chính quyền địa phương đã phối hợp thành lập nhiều tổ, nhóm đồng quản lý rừng. Đến nay toàn tỉnh có 19 tổ, nhóm với 208 thành viên tham gia.

Các tổ, nhóm quản lý rừng ở Sóc Trăng tham gia vào công tác trồng mới và bảo vệ rừng. Ảnh: Phương Anh

Bà Phan Thị Trúc Giang - Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng thông tin: “Các tổ, nhóm quản lý và bảo vệ rừng là lực lượng không chuyên trách được địa phương thành lập dựa trên cơ sở người dân sống ven rừng, am hiểu địa bàn, tham gia các hoạt động đánh bắt thủy hải sản dưới tán rừng, quản lý tốt diện tích rừng trên địa bàn hiện có. Tham gia tích cực vào công tác trồng rừng và chăm sóc rừng non mới trồng”.

Phát triển, bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng ở Sóc Trăng đã phát huy được hiệu quả trong việc huy động người dân địa phương tham gia vào quá trình tái tạo, phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn, những cánh rừng phòng hộ ven biển cứ thế vươn dần ra, chắn sóng, cản gió và bảo vệ cuộc sống người dân vùng ven biển.

Những cánh rừng phòng hộ ven biển Sóc Trăng cứ vươn dài ra biển. Ảnh: Phương Anh

Giờ đây, Sóc Trăng là một trong những địa phương đứng đầu cả nước trong công tác trồng rừng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn