MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một dự án điện gió ở huyện Chư Prông, Gia Lai. Ảnh: Thanh Tuấn

5 nhóm nội dung chính sẽ được đàm phán tại Hội nghị COP28

Nguyễn Hà LDO | 30/11/2023 07:48

Từ ngày 30.11.2023 đến ngày 12.12.2023, Hội nghị COP28 sẽ được tổ chức tại Dubai, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) và đây sẽ là cơ hội để Việt Nam thể hiện cho các nước thấy những cố gắng của mình trong thời gian qua về thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời, tiếp tục huy động nguồn lực, tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế nhằm triển khai thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng “0” trong thời gian tới.

COP28 diễn ra vào thời điểm then chốt cho hành động của toàn cầu về chống biến đổi khí hậu (BĐKH). Nhiệt độ tăng cao kỷ lục và tác động nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan như cháy rừng, lũ lụt, bão và hạn hán trên toàn thế giới đang khiến việc giải quyết các vấn đề khí hậu ngày càng trở nên cấp bách.

Để đẩy lùi tình trạng trên, Chính phủ các nước cần phải đặt công tác thích ứng với BĐKH lên hàng đầu và là trọng tâm của chương trình nghị sự về khí hậu tại COP28. Theo đó, tại COP28, các nước sẽ tập trung đàm phán với 5 nhóm nội dung chính sau:

Một là, giảm phát thải khí nhà kính (KNK): COP28 tiếp tục thúc đẩy các bên giảm mạnh phát thải KNK và đưa phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ thông qua xây dựng các tiêu chuẩn, biện pháp giảm phát thải và đảm bảo khả thi trong thực hiện. Đồng thời, COP28 sẽ thảo luận về tuyên bố loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, coi việc thúc đẩy chuyển đổi năng lượng là biện pháp trọng tâm thực hiện giảm phát thải KNK để đạt mục tiêu ở ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ theo Thỏa thuận Paris.

Hai là, về thích ứng với BĐKH: COP28 sẽ tiếp tục hoàn thiện khung mục tiêu thích ứng toàn cầu; giải quyết các thiếu hụt và thách thức trong quá trình xây dựng, triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH; lồng ghép thích ứng trong các lĩnh vực ưu tiên quốc gia hướng tới cách tiếp cận mang tính chuyển đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát, đánh giá và tham gia nhiều bên trong hoạt động thích ứng với BĐKH; tăng cường thực hiện các hành động thích ứng với BĐKH ở các nước đang phát triển dễ bị tổn thương, đặc biệt chú trọng vào các giải pháp dựa vào tự nhiên (NbS), dựa vào hệ sinh thái (EbA); tiếp tục thảo luận các giải pháp để giải quyết vấn đề tổn thất và thiệt hại trên quy mô toàn cầu, cơ chế vận hành, đóng góp nguồn lực cho Quỹ Tổn thất và thiệt hại đã được thiết lập tại COP27.

Ba là, về tài chính khí hậu: Đây được xem là nội dung rất quan trọng tại các cuộc thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị COP28. Từ trước tới nay, tại các cuộc họp, hội nghị của COP, yếu tố tài chính luôn được quan tâm trong các cuộc đàm phán khí hậu ở tầm khu vực và toàn cầu, bởi việc tăng tốc hành động vì khí hậu chỉ có thể đạt được khi các nước có đủ nguồn lực tài chính. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề tài chính lại là "điểm nghẽn" lâu nay trong chống BĐKH toàn cầu.

Tại COP28, các bên tham gia tiếp tục xem xét tiến độ thực hiện mục tiêu huy động 100 tỉ đôla Mỹ mỗi năm (lẽ ra phải đạt được vào năm 2020); huy động nguồn lực đến năm 2025 và các giai đoạn tiếp theo; thảo luận để đưa ra định nghĩa về tài chính khí hậu; hoàn thiện quy trình nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các nguồn tài chính khí hậu, những biện pháp đa dạng hóa các nguồn tài chính khí hậu, đặc biệt là tài chính tư nhân, đảm bảo cân bằng giữa tài chính cho thích ứng và giảm nhẹ; vai trò của các ngân hàng Trung ương, ngân hàng thương mại, ngân hàng phát triển, các quỹ đầu tư trong thu hút nguồn lực đa dạng cho ứng phó với BĐKH.

Bốn là, về các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon: Tại COP 28, các bên tiếp tục hoàn thiện các quy định và hướng dẫn chi tiết để các quốc gia thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon theo Điều 6, Thỏa thuận Paris (gồm các nội dung như: Cơ chế hợp tác chuyển giao kết quả giảm nhẹ phát thải nhằm thực hiện NDC (Điều 6.2); Cơ chế thúc đẩy giảm nhẹ phát thải KNK và hỗ trợ phát triển bền vững (Điều 6.4); Cơ chế phi thị trường tích hợp, tổng thể và cân bằng (Điều 6.8). Trong đó có tiêu chuẩn và thủ tục chuyển đổi tín chỉ các-bon hình thành theo cơ chế phát triển sạch (CDM) của Nghị định thư Kyoto sang cơ chế thúc đẩy giảm nhẹ phát thải KNK và hỗ trợ phát triển bền vững theo quy định của Thỏa thuận Paris.

Năm là, về đánh giá nỗ lực toàn cầu: COP28 sẽ thảo luận kết quả tổng hợp của các nước trong nỗ lực thích ứng với BĐKH, giảm phát thải KNK, đóng góp về tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực thực hiện ứng phó với BĐKH thông qua các báo cáo quốc gia, NDC và các văn bản khác, qua đó, để thấy được tiến triển và những khoảng trống trong thực hiện các mục tiêu toàn cầu về ứng phó với BĐKH.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn