MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sử dụng năng lượng tái tạo là một trong những cách giúp doanh nghiệp giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: Nguyên Thi

70 - 80% phát thải khí nhà kính ngành công nghiệp từ năng lượng điện, than, xăng dầu

THÙY TRANG LDO | 01/04/2024 11:02

Với các cơ sở thuộc ngành công nghiệp sản xuất thì khoảng 70 đến 80% việc phát thải khí nhà kính là từ nguồn năng lượng không tái tạo. Vì vậy, một trong những giải pháp giảm phát thải mà các chuyên gia đưa ra là sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời.

Bắt đầu từ năm 2024, TP Đà Nẵng có khoảng 23 cơ sở phải kiểm kê phát thải khí nhà kính. Trong đó, có 19 cơ sở thuộc ngành Công Thương, là các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp, các cơ sở trên còn phải lập kế hoạch để giảm phát thải khí nhà kính giai đoạn 2026-2030.

Ông Dương Chí Công – Chuyên gia tư vấn của Công ty cổ phần Giải pháp công nghệ Việt Nam, đơn vị phối hợp với Sở Công Thương TP Đà Nẵng tập huấn cho các doanh nghiệp – cho biết, với ngành Công Thương, cụ thể là các doanh nghiệp ngành công nghiệp thì khoảng 70 đến 80% việc phát thải là từ năng lượng, tức sử dụng điện, than, dầu xăng... trong sản xuất. Chỉ một số ngành đặc biệt, tiêu thụ nhiều năng lượng như xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng thì mới có những nguồn phát thải khác từ các phản ứng hóa học trong quá trình sản xuất.

Dựa trên con số đó, ông Chung Việt Cường – đại diện Công ty CP Công trình Viettel tại Đà Nẵng – cho hay, hiện nay nhiều nhà máy, xí nghiệp trên cả nước đã chọn lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà để sử dụng điện tái tạo. Điều này giúp doanh nghiệp giảm chi phí tiền điện, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính.

Hiện có 2 hình thức đầu tư điện mặt trời là doanh nghiệp tự bỏ chi phí đầu tư hoặc kết nối với các quỹ đầu tư bên ngoài. Với phương án doanh nghiệp đầu tư trực tiếp thì phải chấp nhận khoản đầu tư ban đầu cao nhưng cũng hưởng lợi nhuận cao.

Lấy ví dụ một dự án mà đơn vị đã triển khai năm 2020 là một nhà máy tại Quảng Nam với mức kinh phí đầu tư ban đầu là hơn 12 tỉ đồng thì khoảng 5,5 năm sau, doanh nghiệp có thể hoàn vốn. Tuy nhiên thực tế, sau thời gian hoạt động thì doanh nghiệp chỉ mất khoảng 5 năm đã có thể hoàn vốn. Trong khi đó, hệ thống điện tái tạo có thời gian hoạt động trên 20 năm.

Sở Công Thương TP Đà Nẵng tập huấn cho các doanh nghiệp về kiểm kê phát thải khí nhà kính. Ảnh: Thùy Trang

Còn với phương án kết nối với các quỹ đầu tư thì doanh nghiệp sẽ tận dụng mái nhà nhàn rỗi để tạo nguồn thu bằng mua điện với giá ưu đãi từ đơn vị hợp tác và không tốn chi phí vận hành.

Việc sử dụng điện tái tạo như điện mặt trời cũng sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi theo dự thảo quy hoạch điện trình Chính phủ thì đến năm 2030, Việt Nam sẽ khuyến khích phương án tự sản xuất, tự tiêu dùng.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ dễ dàng đạt chứng chỉ “Công trình xanh”, “Doanh nghiệp xanh”, đây là các chứng chỉ quan trọng và cần thiết, sẽ giúp sản phẩm của doanh nghiệp dễ dàng đạt chuẩn xuất khẩu, tăng giá trị thương hiệu cũng như sản phẩm trên thị trường.

Ông Dương Chí Công cho biết thêm, hiện nay, với doanh nghiệp có diện tích mái đầy đủ thì họ có thể cung ứng 70 đến 80% công suất điện cần sử dụng, giúp giảm mức phát thải khí nhà kính rất lớn. Đây là một trong những phương án mà các cơ sở sản xuất ngành công nghiệp có thể cân nhắc, lựa chọn để vừa giảm phát thải, vừa tạo được cơ hội cạnh tranh với chứng chỉ xanh khi muốn xuất khẩu hàng đi các thị trường quốc tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn