MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: Văn Thắng

Bão lũ sắp dồn dập tấn công, đê điều tại Việt Nam có đủ sức chống chọi?

Thảo Anh LDO | 04/09/2020 12:39
Hệ thống đê điều đã góp phần rất lớn trong an toàn phòng lũ, đảm bảo an toàn dân sinh. Tuy nhiên do chưa có quy hoạch ứng phó bài bản nên vẫn xảy ra tình trạng chạy theo sự cố, hỏng đến đâu, vá đến đấy.

Theo dự báo mới nhất về xu thế thời tiết từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, nửa cuối tháng 9.2020 dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh, có khả năng xuất hiện 1 - 2 xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực biển Đông gây mưa lớn trên diện rộng ở khu vực Trung Bộ và phía Bắc Tây Nguyên. Trong tháng, tại Bắc Bộ có khả năng xuất hiện 3 đợt mưa dông lớn.

Vậy tại Việt Nam, trước tình hình mùa bão lũ dồn dập cuối năm, hệ thống đê điều phòng lũ hiện trạng như thế nào? GS.TS Trần Viết Ổn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi đã có những phân tích về vấn đề này.

GS.TS Trần Viết Ổn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi.

Thưa ông, trong tháng 8 tại Hà Nội đã xuất hiện sạt lở một vài công trình đê như đê Hữu Đáy (Mỹ Đức) và đê Hữu Hồng (Ba Vì). Theo ông những sự cố này có tiểm ẩn những nguy cơ gì không khi địa bàn các tỉnh ngoại thành Hà Nội là khu vực trũng thấp, thường xảy ra ngập lụt?

- Ở thời điểm hiện tại, hệ thống đê điều của Hà Nội tương đối vững chắc. Việc sạt lở cục bộ là không tránh khỏi và không quá đáng ngại vì hệ thống thủy lợi bậc thang có thể đảm bảo chắn lũ cho hạ du với trận lũ có độ lặp lại là 500 năm một lần. Vì thế với những trận lũ thấp hơn và làm tốt công tác quản lí vận hành hồ theo đúng quy trình thì ở hạ du thiệt hại do lũ là ở mức thấp nhất.

Tôi cho rằng đối với các hệ thống phòng lũ của Hà Nội liên quan đến hệ thống sông Hồng không quá rủi ro. Chúng ta hoàn toàn đủ năng lực để đảm bảo khắc phục sự cố đê điều.

Từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 23 sự cố đê điều trên cả nước, đặc biệt có một số sự cố nghiêm trọng, uy hiếp đến an toàn đê như ở Hà Nam, Hưng Yên... Vậy tổng quan ông đánh giá như thế nào về hiện trạng hệ thống đê điều tại Việt Nam?

- Do tầm quan trọng của hệ thống đê điều nên mức đầu tư hàng năm rất lớn. Vì lẽ đó, hệ thống đê điều đã góp phần rất lớn trong an toàn phòng lũ, đảm bảo an toàn dân sinh.

Tuy nhiên do những yếu tố khách quan thì sự đầu tư này vẫn chưa đủ. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, có rất nhiều vấn đề gây ra sạt lở đê điều như nước biển dâng, đặc điểm biến đổi dòng chảy vùng ven bờ.

Nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long do quá trình xây dựng đập ở thượng nguồn gây mất nguồn phù sa, không bổ sung kịp. Bên cạnh đó còn có những yếu tố khác như khai thác cát vượt mức cho phép.

Ngoài ra, sụt lún đất cũng có thể gây sạt lở đê kè. Hiện tượng  này là hiện tượng mới. Đặc biệt trong thời gian tới nguy cơ sụt lún đê kè càng gia tăng do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các hiện tượng cực đoan của thời tiết ngày càng lớn. Do vậy nếu ta không có một hệ thống quy hoạch bài bản cho hệ thống đê điều thì ta cứ phải chạy theo sự cố, sụt đâu vá đấy.
Từ những phân tích đó, ông có thể kiến giải giải pháp nào để  đồng bộ hoá hệ thống đê điều tại Việt Nam?
- Tôi cho rằng cần có nghiên cứu bài bản về hệ thống đê điều ở nước ta. Từ đó lên kế hoạch, lập quy hoạch ứng phó với vấn đề này và làm đồng bộ từ đầu đến cuối thì hiện tượng hỏng đâu vá đấy sẽ giảm đi. Làm bài bản tức là nắm rõ năm nay tu sửa đê chỗ này, năm sau tu sửa đê chỗ khác. Như thế chúng ta có thể kiểm soát được mà vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế. Tất nhiên, chúng ta chỉ có thể hạn chế việc chạy theo sự cố chứ không thể chấm dứt hoàn toàn sự cố vì nếu như thế mức đầu tư là quá lớn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn