MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bình Thuận họp báo thông tin về chủ trương đầu tư dự án Hồ chứa nước Ka Pét

DUY TUẤN LDO | 07/09/2023 15:36

Bình Thuận - Chiều ngày 7.9, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo thông tin về chủ trương đầu tư dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải chủ trì buổi họp báo và ông Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cũng tham dự. Buổi họp báo còn có hơn 30 cơ quan báo chí tham gia. Ngoài ra, còn có đại diện lãnh đạo các cơ quan, thủ trưởng các sở, ngành, lãnh đạo một số địa phương trong tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Duy Tuấn

Mở đầu buổi họp báo, ông Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận thông tin về chủ trương chuyển rừng thành hồ chứa nước, mục tiêu của dự án Hồ chứa nước Ka Pét.

Ông Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận chia sẻ một số thông tin về dự án Hồ chứa nước Ka Pét. Ảnh: Duy Tuấn

Theo đó, vị trí 600 ha rừng để làm hồ thủy lợi đã được đơn vị tư vấn chọn rất kỹ dựa vào điều kiện tự nhiên sẵn có. Hồ phải chọn địa điểm eo núi, là nơi tụ thủy, địa hình dễ ngăn đập để dung tích chứa nhiều nhất, nhưng ít tổn hại rừng. Tỉnh đã phân tích nhiều phương án, như lòng hồ có thể chứa 60-90 triệu m3, hay chỉ 30-40 triệu m3. Từ đó, tính toán dung tích tối ưu cho cả nhu cầu tưới tiêu và lưu vực nước là 51 triệu m3.

Nước là tài nguyên. Rừng cũng là tài nguyên. Giữ rừng cho dân, giữ nước cũng là cho dân. Nhưng rừng có thể tái tạo được, dù rừng trồng không thể bằng rừng tự nhiên. Còn nước thì mình không tự làm ra được.

Các đơn vị tư vấn báo cáo tại buổi họp báo. Ảnh: Duy Tuấn

Tiếp đó, lãnh đạo Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn báo cáo tóm tắt về quá trình nghiên cứu chuẩn bị lập, trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam. Đơn vị tư vấn lập dự án đầu tư báo cáo chi tiết về quá trình khảo sát, đề xuất lựa chọn vị trí đầu tư dự án. Ngoài ra, đơn vị tư vấn điều tra đánh giá hiện trạng rừng báo cáo việc điều tra đánh giá hiện trạng rừng phục vụ đề xuất chủ trương đầu tư dự án.

Phối cảnh hồ chứa nước Ka Pét nhìn từ trên cao. Ảnh: Cổng TTĐT Bình Thuận

Nhấn mạnh tại buổi họp báo, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam cho biết, bà con đồng thuận việc xây dựng hồ chứa nước Ka Pét.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, hồ thủy lợi Ka Pét được xây dựng ở huyện Hàm Thuận Nam, có sức chứa 51,2 triệu m3 nước. Tổng mức kinh phí đầu tư là 874 tỉ đồng. Quy mô dự án gồm hồ điều tiết dung tích toàn bộ, hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác.

Đây là dự án quan trọng cấp Quốc gia, cấp quyết định chủ trương đầu tư là Quốc hội (Nghị quyết 93/2019/QH14), cấp quyết định đầu tư là Thủ tướng Chính phủ, chủ quản đầu tư là UBND tỉnh Bình Thuận, đơn vị quản lý điều hành dự án là Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh.

Tổng diện tích sử dụng đất của dự án là gần 698 ha, trong đó, diện tích đất lâm nghiệp gần 680ha (đất có rừng là 619,58 ha, gồm: rừng đặc dụng là 137,95 ha; rừng phòng hộ là 0,51 ha; rừng sản xuất là 440,4 ha, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72 ha và đất không có rừng 60,14 ha); diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 18,01 ha.

Về trồng rừng thay thế, tổng diện tích phải trồng rừng thay thế là 1.844,54 ha. UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định số 3263 ngày 30.12.2020 về việc phê duyệt phương án trồng rừng thay thế (đợt I) với diện tích là 434,22 ha (cho 144,74 ha rừng tự nhiên). Đối với phần diện tích cần trồng rừng thay thế còn lại 1.410,32 ha, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đang rà soát để mở rộng thêm vị trí trồng rừng thay thế bổ sung đảm bảo diện tích trồng rừng thay thế của dự án.

Theo thiết kế dự án, mục tiêu khi làm hồ Ka Pét là cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II: 2,63 triệu m3/năm; tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn