MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: TTBC

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Mất rừng là do có những tư duy sai trái

Nguyễn Hà - Trần Vương - Đặng Chung LDO | 06/11/2020 17:00

"Đại biểu hỏi tôi rừng quan trọng thế nào so với trời, tôi nghĩ rừng còn quan trọng hơn trời" - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu.

"Rừng quan trọng hơn trời"

Chiều 6.11, trả lời chất vấn của đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (Đoàn Gia Lai) về vấn đề thuỷ điện có phải là nguyên nhân gây nên sạt lở, lũ lụt. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, ông không nói thủy điện nhỏ không phải nguyên nhân, mà chúng ta không tận dụng được thủy điện một cách thân thiện môi trường như nhiều quốc gia văn minh khác.

“Đại biểu hỏi tôi rừng quan trọng thế nào so với trời, tôi nghĩ rừng còn quan trọng hơn trời. Vì tôi thở không khí từ việc lọc khí CO2 và thải khí O2. Rừng là nơi cung cấp 70% tài nguyên cho cuộc sống con người, rừng cho sinh thuỷ, rừng là những gì hết sức thiêng liêng, mà trong chiến tranh rừng che bộ đội" - ông Hà nói.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhắc lại câu nói của mình tại phiên làm việc hôm qua: “Thủy điện không phải nguyên nhân”, và cho rằng hậu quả là do con người khai thác các tài nguyên mà không dựa vào các quy luật tự nhiên, việc này có thể khắc phục được.

"Mất rừng không có nghĩa là do thủy điện, mất rừng còn do chúng ta có tư duy sai trái khi trong nhà dùng toàn đồ gỗ, sử dụng các động vật hoang dã" - ông Hà nói.

Ông cho biết Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ xem xét cùng Quốc hội, rà soát từng m2 đất bị chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

Đối với những nơi nào không con rừng mà chức năng của nó là phòng hộ thì phải phục hồi. Kết lại phần trả lời của mình, ông Hà mong đại biểu Ksor H’Bơ Khăp nghe lại băng ghi âm câu trả lời của Bộ trưởng tại phiên họp hôm qua để “có sự hiểu lẫn nhau hơn”.

Việt Nam có gần 1.000 bãi chôn lấp rác thải rắn

Trả lời chất vấn về giải pháp chôn lấp chất thải rắn, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, hiện trung bình mỗi ngày Việt Nam phát sinh 35.000 tấn chất thải rắn đô thị, khoảng 28.400 tấn chất thải rắn nông thôn. Về xử lý, toàn quốc có 381 lò đốt, 37 lò sản xuất phân compost, còn lại chủ yếu là gần 1.000 bãi chôn lấp.

Theo ông Hà, trong thời gian vừa qua đã có cải thiện, tăng mức thu gom. Hiện mức thu gom rác được thực hiện ở đô thị là 92% và nông 66%, tăng lần lượt 6% và 15% so với trước. Nhưng thực trạng chôn lấp rất ô nhiễm, ô nhiễm tài nguyên nước, lãng phí tài nguyên vì rác chưa được coi là tài nguyên, chưa tiến hành tái chế, công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu.

Theo ông Trần Hồng Hà, coi rác là tài nguyên, có cơ chế khuyến khích thì người dân sẽ phân loại rác và tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng rác. Vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo xây dựng cơ chế để các doanh nghiệp tham gia vào liên minh tái chế rác, đặc biệt là rác thải nhựa.

"Cùng với đó là các chính sách kinh tế về rác, xác định trách nhiệm người gây ô nhiễm phải trả tiền. Người dân tham gia vào việc phân loại rác và Nhà nước sẽ hỗ trợ thu gom, xử lý. Xác định các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với công nghệ cũng như xác định xử lý rác là dịch vụ, sẽ tiến hành đấu giá" - ông Hà nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn