MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói về sạt lở miền Trung. Ảnh: Gia Hân

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói về nguyên nhân gây sạt lở ở miền Trung

Nguyễn Hà - Trần Vương - Đặng Chung LDO | 02/11/2020 16:14

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng sạt lở ở miền Trung thời gian qua.

Sáng 2.11, Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021.

Nhiều nguyên nhân gây trượt lở đất

Tại buổi thảo luận, nói về vấn đề trượt lở trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, nguyên nhân kích hoạt chính là do mưa bão kỷ lục cường độ cao, kéo dài liên tục gần như cả tháng qua ở khu vực miền Trung. Kết quả làm đất đá bị bão hòa, sũng nước, vừa làm tăng các lực gây trượt, vừa làm giảm các lực kháng trượt, thúc đẩy nhanh quá trình trượt lở.

"Theo nghiên cứu, chỉ cần mưa với cường độ khoảng 100mm/ngày hoặc nhỏ hơn nhưng kéo dài liên tục hàng chục ngày là đã đủ để khiến cho đất đá bị bão hòa nước. Trong khi đó, khu vực miền Trung vừa qua mưa vừa lớn lại vừa kéo dài" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ngoài nguyên nhân kích hoạt chính kể trên thì khu vực miền núi các tỉnh Trung Bộ còn có nhiều yếu tố bất lợi khác về địa hình (đồi núi cao, phân cắt mạnh và sâu, tạo ra các sườn có độ dốc lớn), địa chất (nhiều loại đất đá cổ, bị dập vỡ nứt nẻ mạnh, tạo lớp vỏ phong hóa dầy, giầu vật chất sét), thảm phủ thực vật bị suy giảm nhiều.

Các hoạt động nhân sinh (xây dựng đường xá, thủy điện, cơ sở hạ tầng, các công trình dân sinh khác...), cả quy hoạch lẫn tự phát, trong nhiều trường hợp tạo taluy, làm mất chân sườn dốc, làm mất ổn định sườn dốc..., cũng đóng vai trò ngày càng lớn trong việc gây ra trượt lở hoặc làm trầm trọng thêm các thiệt hại.

Cưa cây mở đường vào xã Trà Leng, huyện Trà My (Quảng Nam) để cứu hộ các hộ dân bị sạt lở đất tối 28.10. Ảnh: Ngọc Hà

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, với những dạng tai biến thiên tai cực đoan như hiện nay, cần các nhà khoa học đánh giá kỹ hơn đối với địa chất mỗi khu vực khi phát triển các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội để có thể đối phó và đưa ra những giải pháp phòng ngừa.

Phát triển thuỷ điện một cách phù hợp và bền vững

Đối với vấn đề năng lượng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong quy hoạch điện VIII sẽ có những thay đổi lớn, trong đó Chính phủ có cam kết trong thoả thuận Paris là cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính theo lộ trình bình thường và có thể đạt tới 27% nếu có sự đồng hành và hỗ trợ nguồn vốn từ nước ngoài. Để thực hiện được cam kết đó, Chính phủ đang thực hiện nghiêm túc việc chuyển đổi từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo.

Trong đó, năng lượng điện than sẽ giảm đi, đầu tư các công nghệ hiện đại để tăng năng suất lao động, các chất thải từ hoạt động này có thể tái sử dụng được mà vẫn bảo đảm được vấn đề môi trường.

"Đồng thời, tăng cường khai thác các nguồn năng lượng tái tạo mà ở Việt Nam có nhiều dư địa để phát triển như năng lượng điện gió ngoài khơi, năng lượng mặt trời, năng lượng mặt trời áp mái… điều quan trọng là đưa ra được chính sách phù hợp để thu hút được đầu tư nước ngoài và huy động được nguồn lực trong xã hội" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Đối với thuỷ điện, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay các nguồn tiềm năng lớn đã được khai thác hết. Vừa qua, Chính phủ đã cắt giảm hơn 400 thuỷ điện nhỏ và trong thời gian tới sẽ có những chính sách chặt chẽ để lựa chọn phát triển thuỷ điện một cách phù hợp và bền vững.

Chú ý chất lượng rừng

Nói về rừng hiện nay, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề rừng nguyên sinh và rừng trồng khác nhau nên cần có đánh giá kỹ nên hiện nay tình hình hết sức phức tạp nên chúng ta cần xem xét lại bài toán liên quan đến phát triển kinh tế cần có đánh giá hết sức toàn diện

Tỷ lệ rừng đã tăng lên trong thời gian qua, tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam đã tăng lên so với các khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên Quốc hội cũng quan tâm là độ che phủ là một vấn đề, Bộ trưởng Hà cho rằng cần xem xét lại cơ cấu rừng nguyên sinh, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng và trong thời gian tới bên cạnh tiếp tục xem xét tăng độ che phủ và chú ý chất lượng rừng và có báo cáo thống kê đánh giá kỹ về chất lượng rừng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn