MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nước một nhánh sông Đakrông đổi màu, dù trời không mưa. Ảnh: H.Thơ.

Bức xúc vì nước sông lại bị ô nhiễm do khai thác vàng trái phép ở Huế

HƯNG THƠ LDO | 17/06/2023 16:12

Việc khai thác vàng trái phép ở đầu nguồn nước gây nên tình trạng ô nhiễm nước sông Đakrông (tỉnh Quảng Trị) khiến người dân sinh sống dọc sông bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ngày 17.6, ông Hồ Văn Pườm – Bí thư Đảng ủy xã A Bung (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) xác nhận, tình trạng nước đục trên đoạn sông Đakrông ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân vẫn diễn ra, nên bà con liên tục có kiến nghị, phản ánh.

Theo ông Pườm, cứ mỗi lúc trời mưa, nguồn nước ở khe Li Leng chảy từ xã Hồng Thủy (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) lại đỏ đục rồi hòa vào sông Đakrông thuộc thôn Ti Nê (xã A Bung) gây ô nhiễm.

Do người dân ở xã A Bung không có nguồn nước sạch, phải dùng nước sông cho sinh hoạt, nên khi nước sông bị đỏ, ai cũng lo lắng khi sử dụng.

“Tình trạng nước sông bị ô nhiễm kéo dài, từ năm này sang năm khác. Dù có giảm, nhưng vẫn chưa chấm dứt được” – ông Hồ Văn Pườm cho hay.

Đầu tháng 5.2023, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã có buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tại cụm xã A Bung. Tại đây, cử tri xã A Bung đề nghị các cấp có thẩm quyền vào cuộc mạnh mẽ để giúp người dân chấm dứt tình trạng ô nhiễm sông Đakrông do khai thác vàng ở xã Hồng Thủy.

Để giải quyết kiến nghị của cử tri, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Trị, đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế để kiểm tra, ngăn chặn nguồn thải ở phía đầu nguồn nước nhằm đảo bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân sống ven sông Đakrông. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường để có chỉ đạo.

Liên quan đến vấn đề khai thác vàng gây ô nhiễm sông Đakrông, giữa tháng 7.2019, phóng viên Báo Lao Động đã tiếp cận bãi khai thác vàng thuộc khu vực A Pey B của xã Hồng Thủy (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Tại đây, cả một quả đồi bị xẻ sâu xuống với các đường hầm được xẻ ngang dọc, vàng tặc ngăn hồ để lấy nước, rồi dùng máy nổ để đãi vàng.

Sau khi báo nêu, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có chỉ đạo, các lực lượng đã san ủi bãi khai thác vàng trái phép, ngăn chặn người dân vào nơi này. Tuy nhiên, tình trạng khai thác vàng vẫn chưa chấm dứt, nên nguồn nước năm này sang tháng khác vẫn bị đầu độc.

Năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị đã lấy mẫu nước ở khe Li Leng xét nghiệm kết quả thông số tổng chất rắn lơ lửng vượt giới hạn về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt gấp 28 lần.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế lấy 2 mẫu nước ở khe Li Leng và sông Đakrông và 1 mẫu trầm tích tại khe Li Leng để phân tích. Kết quả, mẫu trầm tích có thông số Asen vượt 1,72 lần so với quy chuẩn; mẫu nước mặt khe Li Leng có tổng chất rắn lơ lửng vượt 46,25 lần, Mangan vượt 6,1 lần, sắt vượt 12,36 lần so với QCVN 08-MT:2015/BTNMT.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn