MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cận cảnh sông Cà Ty nơi có người nộp đơn xin khai thác “kho báu 3 tấn vàng”

DUY TUẤN LDO | 11/04/2024 06:00

Bình Thuận - Dòng sông Cà Ty hiền hòa giữa lòng thành phố Phan Thiết với 3 chiếc cầu bắc qua sông và đổ ra cửa biển Cồn Chà. Vẻ đẹp của sông Cà Ty đi vào rất nhiều thơ văn. Mới đây, bất ngờ có thông tin ông H.P.T gửi đơn đến UBND tỉnh Bình Thuận và Sở VHTTDL tỉnh xin khai thác "kho báu 3 tấn vàng” dưới dòng sông Cà Ty.

Theo trình bày của ông H.P.T (42 tuổi, ngụ huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), ông tổ của ông đã phát hiện quân đội Nhật chôn giấu khoảng “3 tấn vàng” và “vật quý” dưới dòng sông Cà Ty, đoạn qua TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, do thời gian quá dài nên tư liệu và hình ảnh không còn.

Dòng sông Cà Ty giữa lòng TP Phan Thiết. Ảnh: Duy Tuấn

Hiện thông tin về "kho báu" truyền đến đời ông T và chỉ ông biết được địa điểm. Do đó, nếu được chính quyền tỉnh Bình Thuận cho phép, ông T dự kiến phối hợp với các đối tác để khai thác "kho báu" và xin ký quỹ khắc phục môi trường số tiền 500 triệu đồng. Ngoài ra, ông T xin nhận 30% tổng tài sản thu được từ "kho báu", 70% còn lại sẽ bàn giao cho Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận.

Ghe thuyền neo đậu trên dòng sông Cà Ty. Ảnh: Duy Tuấn

Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Độ (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), pháp luật đã có quy định khá chi tiết vấn đề xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy.

Theo quy định tại Điều 229 Bộ Luật Dân sự 2015, người phát hiện tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

This browser does not support the video element.

Cận cảnh dòng sông Cà Ty nhìn từ trên cao. Clip: Duy Tuấn

Trong trường hợp tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy mà không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu thì sau khi trừ chi phí tìm kiếm và bảo quản, nếu tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật Di sản văn hóa thì thuộc về Nhà nước; người tìm thấy tài sản đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định.

Còn ngược lại, nếu giá trị tài sản còn lại nhỏ hơn hoặc bằng 10 lần mức lương cơ sở thì thuộc sở hữu của người tìm thấy. Nếu lớn hơn thì được hưởng giá trị bằng 10 lần mức lương cơ sở và 50% giá trị của phần vượt quá 10 lần mức lương cơ sở. Phần còn lại thuộc về Nhà nước.

Trên sông Cà Ty. Ảnh: Duy Tuấn

Đồng thời, theo luật sư Nguyễn Độ, việc ông T xin khai thác “kho báu 3 tấn vàng” khó có cơ sở để cấp phép và thực hiện. Bởi vì ông T cần phải đáp ứng hàng loạt các điều kiện được quy định tại các điều 21, 23, 24 của Nghị định 29/2018/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Trong đó, có một số nội dung như: Kiểm tra tính chính xác của thông tin tiếp nhận (điều 21); tổ chức, cá nhân thăm dò, trục vớt phải có chức năng, kinh nghiệm trong hoạt động thăm dò, khai quật, trục vớt tài sản (điều 24).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn