MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cao điểm ô nhiễm tháng cuối 2019 cho chỉ số bụi cao gấp 2,8 lần quy chuẩn

Nguyễn Hà LDO | 05/01/2020 09:41

Trong tháng 12.2019, chất lượng không khí ở một số đô thị khu vực miền Bắc và miền Nam tiếp tục có những diễn biến xấu, trong đó, đợt cao điểm ô nhiễm diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 7-14.12 có mức độ khá nghiêm trọng.


Theo Tổng Cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), số liệu quan trắc cho thấy, ô nhiễm không khí chủ yếu gây ra bởi bụi mịn PM2.5, các thông số còn lại (NO2, O3, CO, SO2) về cơ bản vẫn có giá trị đạt tiêu chuẩn cho phép quy định tại QCVN 05:2013/BTNMT.

Các thành phố ở khu vực miền Bắc có giá trị trung bình 24 giờ của thông số PM2.5 cao hơn các khu vực khác, trong đó Hà Nội có giá trị cao nhất. Trong đợt cao điểm (từ ngày 7-14.12) đã ghi nhận giá trị trung bình 24 giờ của thông số PM2.5 cao nhất, vượt QCVN 05:2013/BTNMT lên tới 2,8 lần tại Hà Nội. Tại một số thành phố khác như Việt Trì, Hạ Long, giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 trong không khí cũng tăng cao vượt QCVN. Bên cạnh đợt cao điểm (từ ngày 7-14.12) cũng ghi nhận một số khoảng thời gian ô nhiễm ngắn với giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ vượt QCVN. 

Sương mù dày đặc xuất hiên nhiều ngày ở Hà Nội. Ảnh: Minh Hà 

Tại các thành phố ở khu vực miền Trung (Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa), giá trị trung bình 24 giờ của thông số PM2.5 về cơ bản vẫn đạt QCVN. Tuy nhiên, đã có một số ngày ghi nhận giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ vượt QCVN. Tại Tp. Hồ Chí Minh cũng ghi nhận một số ngày có giá trị trung bình 24 giờ của thông số PM2.5 vượt QCVN.

Kết quả tính toán chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày cho thấy, tại các đô thị khu vực miền Bắc, số ngày trong tháng có chất lượng không khí ở mức trung bình và mức kém chiếm tỷ lệ khá cao; trong một số ngày đã ghi nhận chất lượng không khí ở mức xấu. Cụ thể, đối với Hà Nội, tỉ lệ số ngày có AQI ở mức trung bình chiếm 29%; mức kém chiếm 48,4% và mức xấu 22,6%. Thành phố Việt Trì (Phú Thọ) có tỷ lệ số ngày AQI ở mức tốt chiếm 11,5%; mức trung bình 46,2%; mức kém 26,9% và mức kém 15,4%. Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) có tỷ lệ số ngày AQI ở mức tốt chiếm 4,8%; mức trung bình 47,6%, mức kém 42,9% và mức xấu 4,8%.

Tại các đô thị khu vực miền Trung, chất lượng không khí phổ biến ở mức tốt và trung bình. Cụ thể, Thành phố Huế có tỷ lệ số ngày có AQI mức tốt 67,7%; mức trung bình 29% và mức kém 3,2%. Thành phố Đà Nẵng có tỷ lệ AQI ngày mức tốt 74,2%; mức trung bình 22,6% và mức kém 3,2%.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, chất lượng không khí phổ biến ở mức trung bình (83,9%), mức tốt 3,2% và mức kém 12,9%.

Tại Hà Nội, trong tháng 12, ô nhiễm không khí có xu hướng gia tăng cả về số ngày và mức độ nghiêm trọng so với tháng 11. Trong hầu hết các ngày, giá trị trung bình 24 giờ của thông số PM2.5 đo được tại các trạm quan trắc đều vượt QCVN, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ ngày 11-14.12.

Tháng 12.2019, liên tiếp nhiều ngày Hà Nội mờ mịt trong làn sương. Ảnh: Minh Hà 

Kết quả tính toán chỉ số AQI ngày tại các trạm quan trắc trong tháng 12 cho thấy, hầu hết giá trị AQI ngày ở mức kém (AQI>100). Trong đợt cao điểm ô nhiễm (từ ngày 8-14.12), hầu hết giá trị AQI tại các trạm ở mức xấu (AQI >150) và đã ghi nhận giá trị AQI ngày ở mức rất xấu (AQI>200).

Kết quả tính toán AQI giờ (đánh giá chất lượng không khí tức thời) cho thấy tại các trạm, tỷ lệ số giờ có chỉ số AQI mức tốt là 4,5%, mức trung bình 28,4%; mức kém 36,5%, mức xấu 25,2% và mức rất xấu 5,3%. Mức rất xấu (AQI >200) tập trung vào các ngày từ 10-14.12.



Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn