MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chàng trai Đinh Đồng Giang (Bắc Ninh) với đam mê tạo hình cho rác. Ảnh: NVCC

Chàng trai khuyết tật với đam mê "tạo hình cho rác"

Minh Ánh LDO | 10/05/2023 14:34

Miệt mài nhặt những chiếc lông gà từ chuồng gà góc nhà, chàng trai khuyết tật Đinh Đồng Giang (31 tuổi, Tân Lãng, Lương Tài, Bắc Ninh) bắt đầu lên các ý tưởng cho việc sáng chế tranh từ những chiếc lông gà đầy màu sắc. Và cũng từ đó, đam mê tái chế rác cũng lớn dần trong anh.

"Thổi hồn" cho rác thải

Vốn từ người không thể cử động, không thể đi lại, phải phụ thuộc hoàn toàn vào sự giúp đỡ của người thân, nhưng trải qua lần phẫu thuật năm 20 tuổi, anh Đinh Đồng Giang (Lương Tài, Bắc Ninh) đã có thể tự đi lại, nhưng tay vẫn khó cử động và không thể cầm nắm được những vật nặng. 

Dù phải dành cả tuổi thơ để chống chọi với bệnh tật, nhưng chàng trai Đinh Đồng Giang không chấp nhận bị số phận quật ngã. Không thể có công ăn việc làm, Giang bắt đầu tìm tòi và học hỏi những ý tưởng tái chế.  

Năm 2019 – một năm đánh dấu sự nghiệp “tạo hình cho rác” của anh. Khi đó, chàng trai Bắc Ninh vì tiếc rẻ những chiếc lông gà bóng mượt, nhiều màu sắc, anh đã lên ý tưởng thu thập chúng để làm tranh. 

“Mình thấy nhà nào cũng có rác, tại sao mình lại không tái chế. Thấy những chiếc lông gà rụng có màu rất đẹp, bóng mượt nên mình đã làm sạch, phơi khô và tạo hình bằng cách dán lông gà trên những tấm bìa bỏ đi. Bức tranh đầu tiên mình tạọ ra là bức tranh chữ Phúc”, anh Giang kể.

Góc nhỏ sáng tạo các sản phẩm từ rác của anh Đinh Đồng Giang, Bắc Ninh. Ảnh: NVCC 

Hồi tưởng lại bức tranh đầu tiên, ánh mắt chàng trai toát lên vẻ tự hào. Bởi khi bức tranh được đăng tải lên mạng xã hội, rất nhiều bình luận thích thú, khen ngợi được gửi tới anh. 

Cảm nhận thấy ý nghĩa của việc làm tranh từ rác thải, anh Giang liên tục lên các ý tưởng mới cho kế hoạch “tạo hình cho rác”. 

Ban đầu là lông gà, sau đó là những vật liệu tái chế thân thuộc khác như sỏi đá, giày dép, chai nhựa, xốp, bìa cát tông,… Ngày qua ngày, những bức tranh thành hình thành dạng, mỗi một bức tranh lại mang một ý nghĩa và sự độc đáo riêng. 

“Có những bức tranh mình làm chỉ vài tiếng, có những bức tranh mất cả ngày, thậm chí cả tuần, vì tay mình rất khó để cử động”, anh Giang kể. 

Chia sẻ về nguồn cảm hứng, anh Giang cho biết: “Tất cả mọi thứ đều có ở trên mạng, mình tìm những hình ảnh và tham khảo, từ đó mình sáng tạo thêm theo phong cách mới.

Một lần mình thấy trên mạng có ý tưởng về bức tranh từ sỏi đá. Quan sát thì thấy xung quanh nhà mình có vô vàn những vật liệu này mà trước giờ mình không nhận ra. Sỏi đá cũng có thể tạo thành nghệ thuật. Vậy là mình bắt tay lên ý tưởng lắp ghép”, anh Giang vừa tươi cười vừa chia sẻ.

Lan toả lối sống xanh, lối sống tái chế 

Những bức tranh của anh Giang, một là treo kín nhà, hai là được anh dành tặng cho các cô giáo và các em nhỏ tại trường mầm non. 

Được biết, tranh tái chế của anh hiện nay đang được sử dụng như những bài giảng về môi trường và hướng dẫn tái chế rác thải tại các trường học trên địa bàn. 

Cô giáo Tân Thị Triều, giáo viên trường THPT Trung Chính (xã Tân Lãng, Lương Tài, Bắc Ninh) chia sẻ: “Những bức tranh bạn Giang làm đều được làm từ vật liệu tái chế nên nó có ý nghĩa rất lớn. Tôi rất thích ngắm các bức tranh của bạn vì vậy tôi đã xin về và trưng bày cho các em học sinh trong trường. Chính Giang cũng là một trong những tấm gương mà tôi thường hay kể để học trò noi theo”. 

Các sản phẩm anh Giang sáng tạo đều được tái tạo từ những phế liệu hết sức gần gũi, dễ tìm. Ảnh: NVCC

Nhìn những tác phẩm của anh được trưng bày tại nhà, cũng đủ để hiểu tình yêu lớn lao mà anh dành cho sự nghiệp tái chế. Suốt những năm tháng qua, anh Đinh Đồng Giang vẫn thường xuyên chia sẻ các video hướng dẫn làm tranh, đồ chơi từ rác thải tái chế trên kênh Youtube, hay các hội nhóm của những người yêu môi trường trên Facebook.

Khác với nhiều người, anh Giang không thoải mái trong việc cử động tay, nên anh không dùng máy móc để khoan, cưa, hay mài. Hay chính xác, anh cũng không hứng thú với việc sử dụng máy móc.

“Mình biết có nhiều người không có máy móc để cắt thuỷ tinh, vì vậy mình lên ý tưởng tái chế phế liệu một cách đơn giản nhất, để ai cũng có thể tự tái chế phế liệu ngay tại nhà.

Ví dụ, mình muốn cắt đôi chai thuỷ tinh để làm chậu cây, mình chỉ cần buộc sợi dây kim loại quanh thân chai và hơ trên lửa rồi nhúng vào nước lạnh. Như thế chai thuỷ tinh sẽ tự tách đôi ngay tại phần mình cuốn dây thép”, anh Giang kể.

Ấp ủ dự định mở một quán cà phê tái chế, nhưng anh Giang phải gác lại nhiều năm vì thiếu người đồng hành. Nhưng dù có khó khăn, anh Giang vẫn chưa một lần từ bỏ những ước mơ tái chế. Anh hi vọng rằng, một người nhỏ bé với nhiều thiệt thòi như anh, sẽ góp được phần nào vào việc bảo vệ môi trường, lan toả tình yêu môi trường đến cộng đồng. 

Các tác phẩm của anh Đinh Đồng Giang:

 Đồ chơi cho trẻ em từ nắp chai nhựa và một số phế liệu khác.
 Anh Giang biến hình chiếc xe mini từ các vật liệu đơn giản.
  Anh Giang sáng tạo nhiều bức tranh từ sỏi đá, giấy, bìa cát tông, đồng tiền xu,....

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn