MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chi tiết thời gian và địa điểm để chiêm ngưỡng nhật thực tại Việt Nam

Thảo Anh LDO | 19/06/2020 15:00

Theo Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội (HAS), ngày 21.6 cũng đúng vào ngày Hạ chí, người dân Việt Nam có cơ hội quan sát hiện tượng nhật thực một phần kỳ thú với tỉ lệ che phủ từ 27 đến 79% (tùy địa điểm). Toàn bộ quá trình nhật thực một phần sẽ kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ.

Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội (HAS) cho hay vào ngày 21.6, người dân Việt Nam sẽ được chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn đáng chờ đợi nhất năm 2020 - nhật thực một phần. Lúc này, trái đất quay quanh mặt trời, mặt trăng quay quanh trái đất và ba thiên thể này sẽ dóng thẳng hàng nhau. Mặt trăng nằm giữa mặt trời và trái đất, chắn ánh nắng chiếu tới hành tinh của chúng ta.

Nơi nào hoàn toàn nằm trong bóng tối (umbra) của Mặt Trăng sẽ xảy ra hiện tượng nhật thực toàn phần (Total eclipse), trong khi tại nơi chỉ nằm trong vùng nửa tối (penumbra) sẽ xảy ra nhật thực một phần (Partial Eclipse). Ảnh: Tyler Morning Telegraph.

Nhật thực ngày 21.6 tới đây là nhật thực hình khuyên. Tuy nhiên, ở Việt Nam chỉ quan sát được pha nhật thực một phần. Hiện tượng nhật thực hình khuyên chỉ xảy ra với các vùng có tỉ lệ che phủ gần 100% như ở một số tỉnh Trung Quốc. Lộ trình của nhật thực sẽ bắt đầu ở Trung Phi, đi qua Ả-rập Xê-út, Bắc Ấn và Nam Trung Quốc trước khi kết thúc ở vùng biển Thái Bình Dương. Pha nhật thực một phần có thể quan sát được ở phần lớn Đông Phi, Trung Đông và Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Từ trái qua phải là ba kiểu nhật thực: một phần, toàn phần và hình khuyên. Nguồn: Whenisthenexteclipse.

Theo Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội (HAS), mặc dù mặt trời lớn hơn mặt trăng khoảng 400 lần, nhưng khoảng cách từ trái đất tới mặt trời lại xa gấp 400 lần khoảng cách tới mặt trăng, do đó khi nhìn từ trái đất, hai thiên thể dường như có cùng kích cỡ.

Trái với lần nhật thực một phần tháng 12 năm ngoái, lần này người dân phía Bắc nước ta sẽ quan sát được nhật thực một phần với tỉ lệ che phủ cực đại lớn hơn người phía Nam. Cụ thể, tỉ lệ che phủ cao nhất là 79% (Hà Giang), và thấp nhất là 27% (Cà Mau).

Tiến trình nhật thực một số tỉnh và thành phố tại Việt Nam. Nguồn: HAS.

Tại Hà Nội, nhật thực một phần bắt đầu vào 13h16 phút, đạt cực đại lúc 14h55 với tỉ lệ che phủ tới 71%, kết thúc vào 16h18.

Tại Đà Nẵng, nhật thực một phần bắt đầu lúc 13:30, đạt cực đại lúc 15h04 với tỉ lệ che phủ là 56%. Tại TPHCM bắt đầu từ 13h37, đạt cực đại lúc 15h05 với tỉ lệ che phủ chỉ đạt 36%, kết thúc vào 16h18.

Các loại nhật thực

Tùy thuộc vào vị trí tương đối giữa ba thiên thể mặt trời, trái đất, mặt trăng mà chúng ta thấy 3 kiểu nhật thực:

Nhật thực toàn phần: Xảy ra khi trái đất, mặt trăng, mặt trời nằm chính xác trên cùng một đường thẳng, và mặt trăng sẽ vừa vặn che kín mặt trời. Chúng ta chỉ có thể quan sát được kiểu nhật thực này ở những nơi nằm ở giữa vùng bóng tối của mặt trăng. Bầu trời khi ấy sẽ tối sầm như chập tối vậy.

Nhật thực một phần: Xảy ra khi trái đất, mặt trăng, mặt trời không thực sự nằm trên một đường thẳng. Khi ấy, mặt trăng chỉ chắn được một phần mặt trời.

Nhật thực hình khuyên: Xuất hiện khi mặt trăng cách xa trái đất nhất. Càng nằm cách xa trái đất thì trông mặt trăng càng nhỏ, do đó không hoàn toàn che khuất mặt trời mà chỉ như chiếc đĩa nhỏ đặt lên trên chiếc đĩa lớn hơn nằm ở phía sau là mặt trời. Kiểu nhật thực này tạo một đường viền trông như chiếc nhẫn bao quanh mặt trăng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn