MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL diễn ra vào tháng 2.2020. Ảnh: Trần Lưu

Chủ động hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường

Phạm Đông LDO | 31/05/2021 17:45
Theo các chuyên gia về môi trường, biến đổi khí hậu đang gây ra những hệ lụy, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Do đó, rất cần sự thay đổi về nhận thức, hành vi và chủ động hành động của cả cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Hôm nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác về Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ hai theo hình thức trực tuyến. Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 30-31.5.2021. Thủ tướng tham dự ngày họp thứ hai của Hội nghị, dự kiến diễn ra vào lúc 20h-21h30 ngày 31.5.

Cùng với việc tham gia Diễn đàn P4G, thời gian qua, Việt Nam đã chủ động, tích cực đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu và phục hồi xanh. Cùng với đó, chủ động tham gia vào các cơ chế đa phương về khí hậu, lồng ghép các nội dung ứng phó biến đổi khí hậu vào các văn kiện chính thức.

Nói về trách nhiệm của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng - cho rằng, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, tình trạng xâm nhập mặn ở mức cao xảy ra tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long thể hiện rất rõ vấn đề này.

Theo bà An, đây là vấn đề rất đáng được lưu tâm bởi khu vực này chính là vựa lúa của Việt Nam, nguồn cung để nước ta xuất khẩu gạo ra ngoài thế giới. Dù các đơn vị chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng lượng nước từ thượng nguồn chảy về khu vực này thiếu hụt khiến tình trạng xâm nhập mặn ở mức cao nhất trong lịch sử.

Để ứng phó được với biến đổi khí hậu, bà An cho rằng trước hết phải thực hiện những vấn đề Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế, với "Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030". Cần có tổng thế những chính sách được đưa ra như bảo vệ rừng, sử dụng đất rừng, giữ rừng nguyên sinh; bảo vệ an ninh nguồn nước; giảm khí phát thải ra môi trường....

"Dù khó, dù nan giải nhưng dứt khoát nước ta phải sớm làm được điều này. Đây được xem là vấn đề sống còn với sự phát triển kinh tế bền vững của đất nước. Chính vì vậy, cần phải sớm thay đổi nhận thức, chủ động hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu" - bà An chia sẻ.

Bà An cho rằng, để ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian qua, nước ta cũng đã, đang chủ động thực hiện nhiều biện pháp cụ thể, trong đó, là chương trình trồng cây xanh, “hồi sinh” các con sông, hồ nước, đầu tư xây dựng công viên, vườn hoa... nhằm tăng tỷ lệ diện tích cây xanh.

Bên cạnh đó, phải thực hiện tiết kiệm trong sử dụng nước. Việc tiết kiệm nước được thực hiện dưới các hình thức khác nhau trong các khu vực và trong mục đích dùng nước khác nhau. Trong đó, có thể tiết kiệm nước bằng cách ưu tiên tái sử dụng nước (sử dụng nước tuần hoàn); Cải tiến công nghệ thân thiện với môi trường và tiết kiệm nước. Còn trong sinh hoạt, tiết kiệm nước bằng cách nâng cao chất lượng đường ống dẫn nước, bảo đảm không bị rò rỉ;...

Nói về vấn đề giải quyết ô nhiễm không khí hiện nay, TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí của Hà Nội và các tỉnh là do các nguồn giao thông, xây dựng, công nghiệp và hoạt động dân sinh. Trong điều kiện khí tượng không thuận lợi như lặng gió, khí thải lưu cữu ở tầng thấp không phát tán được, gây ô nhiễm.

Chuyên gia môi trường cho rằng, việc không sử dụng bếp than, không đốt rơm rạ, không vứt rác bừa bãi... được triển khai đồng bộ và thu được kết quả tích cực trong những năm gần đây. Tuy nhiên, về lâu về dài, việc hạn chế phát thải khí CO2 là nhiệm vụ rất quan trọng. Đồng thời, cần có sự chuyển đổi, thích nghi cả về phòng, chống các hiện tượng thời tiết cực đoan và những hiện tượng cụ thể như nước biển dâng, xâm nhập mặn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn