MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Trần Xuân Hà, Phó Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tại Hội nghị giao ban báo chí ngày 5.11. Ảnh: Phạm Đông

Cơ quan, đoàn thể phải là đơn vị gương mẫu trong giảm thiểu rác thải nhựa

Phạm Đông - Nguyễn Hà LDO | 05/11/2019 17:47
Theo ông Trần Xuân Hà, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, thành phố đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu rác thải nhựa. Trong thời gian tới các đơn vị, cơ quan trực thuộc UBND Thành phố không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Ngày 5.11, tại buổi họp Giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Lưu Thị Thanh Chi cho biết, Việt Nam xếp thứ 17/109 quốc gia có mức độ ô nhiễm do rác thải nhựa. Trong đó 80% lượng rác thải ra biển của Việt Nam xuất phát từ các hoạt động trên đất liền.

Mỗi ngày Hà Nội thải ra từ 4.000 đến 5.000 tấn rác, trong đó trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông. Việc đốt nhựa không đúng quy chuẩn cũng sẽ thải ra vô số những khí độc hại và gây hiệu ứng nhà kính.

Bà Lưu Thị Thanh Chi. Ảnh: Phạm Đông

Trước thực trạng trên, UBND Thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu rác thải nhựa. Mục tiêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 là 100% các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc UBND thành phố không sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Hạn chế 80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy và được thực hiện từ tháng 11.2019, qua đó giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy sử dụng một lần, góp phần giảm thiểu sự phát thải chất thải nhựa. Đến 31.12.2020, thành phố sẽ hạn chế tối đa các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng bằng nhựa.

Tại buổi giao ban, ông Lê Tuấn Định - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội - cho biết, các loại rác ở Thủ đô rất tổng hợp như nilon, vật liệu, chai thủy tinh, hoa quả... Do vậy,  rất khó để phân loại từ đầu nguồn. Từ năm 1998 Thành phố đã triển khai việc phân loại rác nguồn, sau 1 thời gian thực hiện dẫn đến việc xử lý rác ở các nhà máy không khả thi.

"Khi thu gom, vận chuyển lại đổ hết vào 1 xe để chuyển đi nên thành phố đã thay đổi công nghệ để xử lý các loại rác thải tổng hợp. Người dân nên thay thế các loại nhựa và túi nilon dùng 1 lần bằng vật liệu dùng nhiều lần. Ngoài ra có thể sử dụng lá chuối, lá dong để thay thế trong sinh hoạt" - ông Định nói.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội,  bên cạnh rác thải nhựa thì hiện nay bếp than tổ ong là 1 trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Theo thống kê sơ bộ, toàn thành phố có 55.000 bếp than tổ ong, trong đó các quận nội thành chiếm 65%.

Lê Tuấn Định - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội. Ảnh: Phạm Đông

Nhấn mạnh hơn về việc giảm thiểu rác thải nhựa, ông Trần Xuân Hà, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, rác thải nhựa đang là vấn đề cả thế giới quan tâm. 2 Thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mỗi ngày thải ra rất nhiều rác. Những loại rác này rất khó để tự tiêu hủy, phải mất nhiều năm mới có thể tiêu hủy xong nên sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, giống nòi.

"Mỗi người, mỗi gia đình không nên sử dụng các nhựa 1 lần. Trong đó các cơ quan đoàn thể, mỗi cán bộ và đảng viên phải gương mẫu đi đầu, nghiêm túc thực hiện trong việc giảm thiểu chất thải nhựa. Ngoài ra người dân cũng từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen dùng đồ nhựa 1 lần. 

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn thành phố, thời gian tới những sáng kiến của các địa phương về giảm thiểu rác thải nhựa cũng cần được lan tỏa và phát huy sâu rộng" - ông Trần Xuân Hà đề nghị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn