MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thăm và chúc tết lực lượng CN vệ sinh môi trường, thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường - Đô thị TP HCM, trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất vừa qua. Ảnh: C.H

Công nhân vệ sinh môi trường - những nỗi niềm

Đông Anh LDO | 27/02/2018 17:19

Dịp Tết Mậu Tuất 2018 vừa qua, theo Công ty TNHH MTV Môi trường - Đô thị TPHCM, ước có tới 7.000 công nhân (CN) và trên 2.000 xe cơ giới tham gia công tác thu gom, vận chuyển rác trên toàn địa bàn TP.HCM. Thử tưởng tượng, nếu TP.HCM vắng bóng những người CN quét dọn, vận chuyển rác… thì sẽ ra sao? Nhờ hàng ngàn CN vệ sinh thầm lặng quét rác trong những ngày cao điểm ấy, mà TP.HCM mới có được bộ mặt sạch sẽ, văn minh trong những ngày lễ tết. Ấy vậy, vẫn  có biết bao nỗi niềm từ những người đóng góp thầm lặng ấy...

Quét hết rác chứ không phải làm hết giờ

Đó là quan niệm của anh Lê Hoàng Vững - CN Xí nghiệp vận chuyển số 1 (Công ty TNHH MTV Môi trường - Đô thị TP HCM). Vợ chồng anh Vững  bắt đầu công việc quét rác vệ sinh đường phố đến nay đã tròn 14 năm. Ban đầu, vợ chồng anh làm việc tại Công ty TNHH dịch vụ công ích huyện Bình Chánh. Đến tháng 10.2010, thì chuyển sang công tác tại Xí nghiệp Vận chuyển số 1, thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM cho đến ngày hôm nay. Công việc của anh Vững bắt đầu từ 7 giờ tối hôm trước và thường kết thúc vào 3 giờ sáng hôm sau. Nhưng nhiều khi anh phải làm việc đến tận 7 giờ sáng. Anh Vững kể rằng: “Có những hôm công việc đã hoàn thành, thì nửa đêm, người dân lại đổ đất đá ra đường. Anh em trong tổ lại bảo nhau ra dọn tiếp, cho sạch sẽ để không xảy ra tai nạn giao thông. Cực, mất công, nhưng phải làm thôi, chứ để lem nhem thấy khó coi quá. Nghề quét rác là quét cho hết rác, chứ không phải làm hết giờ. Một khi  rác vẫn còn, thì anh vẫn làm việc…”.

Anh Vững tâm sự, cái nghề của anh cũng nhiều khó khăn lắm, nào là định kiến của xã hội với nghề quét rác, nào là rủi ro, nguy hiểm nghề nghiệp như: tai nạn giao thông khi lao động ngoài đường phố xảy ra bất cứ lúc nào; rồi nguy cơ bệnh tật, khi tiếp xúc trực tiếp với khói bụi và vô số rác thải độc hại.v.v… Nỗi buồn khi đến những đợt phục vụ cao điểm đêm giao thừa, những ngày Tết Nguyên đán, những ngày lễ hội trong năm…, vẫn phải miệt mài trên từng góc phố, mà không được nghỉ ngơi, vui chơi, đi đó đây như hàng triệu người khác… Hay thu nhập của CN còn thấp cũng là những trở ngại khi gắn bó với nghề này.

Quả thật, lương CN của cả hai vợ chồng anh không cao, vừa phải lo cái ăn cái mặc vừa phải lo cho 2 con đi học nên cuộc sống còn rất nhiều khó khăn. Vì vậy, dù đã quét rác đêm khuya mệt mỏi như thế, ban ngày anh vẫn phải tranh thủ làm thêm một số việc vặt để kiếm thêm thu nhập. Tuy vất vả nhưng bản thân anh cũng như gia đình luôn cảm thấy tự hào khi được khoác lên người chiếc áo CN vệ sinh môi trường, được góp phần làm sạch đẹp đường phố, bảo vệ môi trường. Đối với anh đây là nghề cao quý và cũng nhờ nó mà gia đình anh có thể trang trải phần nào cuộc sống giúp các con anh được đến trường.

Ngoài là một tổ phó, anh còn dành thời gian và tâm huyết cho vai trò tổ trưởng tổ công đoàn. Anh chăm lo đến đời sống vật chất tinh thần của từng anh em trong tổ, khi có anh em nào gặp khó khăn, vướng mắc anh lại tìm cách giúp đỡ và kịp thời phản ánh lên cấp trên để tháo gỡ những vướng mắc đó, đáp ứng nguyện vọng của anh em CN. Những đóng góp trong công tác của anh Vững không chỉ được anh em trong tổ mà cả cấp trên cũng ghi nhận và trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen, danh hiệu cao quý. Nhiều năm liền, anh được Ban lãnh đạo Công ty TNHH MTV Môi trường - Đô thị trao danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở,.. cùng nhiều hình thức khen thưởng khác.

Hình ảnh CN quét rác lúc nửa đêm trên đường phố Sài Gòn. Ảnh: LĐ

Thấy rác bẩn thì nhặt, như một thói quen
Đây là trường hợp anh Trần Văn Dũng - CN đội vệ sinh môi trường khu phố 13, phường Bình Hưng Hoà A, quận Bình Tân, TP.HCM. Biết rằng, CN vệ sinh môi trường là nghề hết sức khắc nghiệt và mang nhiều rủi ro; thế nhưng, anh Dũng vẫn gắn bó với nghề gần 20 năm. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Trà Vinh, lên TP.HCM lập nghiệp từ năm 20 tuổi, anh Dũng đã sớm gắn bó với nghề vệ sinh môi trường. Hiện anh Dũng vẫn sống độc thân, dù đã gần 40 tuổi. Nhìn hình dáng bên ngoài, không ai tin anh ở tuổi tứ tuần. Cái nắng, cái gió theo cùng công việc đã làm anh Dũng già đi nhiều so với tuổi thật.v.v… Công việc của anh được bắt đầu từ 3 giờ sáng, kết thúc lúc 2 giờ chiều. Hằng ngày phải làm việc chung với rác thải và ô nhiễm cùng những mùi hôi thối bốc lên. Nhưng ngày nào cũng vậy, dù trời nắng hay trời mưa, anh Dũng vẫn cùng đồng đội của mình đi thu gom và xử lí những đống rác với đủ loại…

Có lần do vô ý, anh đã bị mảnh kính vỡ đâm vào tay, làm rách một đường dài, phải nghỉ ngơi một tuần liền. Đau về thể xác không đau bằng tâm hồn; xã hội sẽ không được trong sạch nếu còn những con người vô ý thức. Anh từng chua xót, ngậm ngùi trước những hành động thiếu văn hóa của một số người. Trong lúc làm nhiệm vụ, có lần anh thấy một người xả rác bừa bãi và khi được anh nhắc nhở thì người đó lại có ý khiêu khích, dùng những lời lẽ thóa mạ nghề nghiệp của anh, nhưng anh Dũng nhẫn nhịn, tập trung làm tốt việc của mình.v.v…

Khi mới bắt đầu lập nghiệp, mức lương khá thấp không đủ để trang trải cuộc sống. Bên cạnh đó, anh Dũng còn bị người khác xem thường vì công việc là CN vệ sinh, anh đã nhiều lần định bỏ nghề, sẽ chuyển sang công việc khác an toàn hơn, nhàn hơn, mức lương sẽ khá hơn để chăm lo cho gia đình và quan trọng là không còn bị người khác xem thường nghề nghiệp. Tuy nhiên,  với sự động viên của gia đình và đồng nghiệp nên anh vẫn tiếp tục trụ lại với nghề đến giờ. Với anh Dũng, công việc hằng ngày dường như đã ăn sâu vào trong máu, dù là ở nhà, lúc làm việc hay thời gian thư giãn… Hễ cứ nhìn thấy rác ở đâu, là tiện tay anh nhặt, tìm đến thùng rác thì vứt, không thấy thùng rác thì mang rác về nhà rồi vứt như một thói quen..v.v…

Anh Dũng hài hước kể: “Có một lần đi ăn đám cưới bạn trong nhà hàng, lúc ra về tôi thấy một túi rác được bọc trong túi ni lông vứt cạnh xe tôi, thế là tôi nhặt, treo trên xe mang về nhà luôn. Lúc vào nhà tôi cầm bịch rác trên tay thì bạn tôi hỏi tôi nay đi đám cưới lại còn có mang quà về à…” Ông Vũ Văn Chính (đội trưởng đội vệ sinh khu phố 13, Bình Tân) cho biết: “Dũng làm việc rất chăm chỉ, luôn hoàn thành nhiệm vụ của mình, dù ai nói gì hay làm gì thì Dũng cũng không không quan tâm, chỉ làm đúng nhiệm vụ được phân công”. Con người không chọn được nơi mình sinh ra nhưng chọn được việc mình sẽ làm, cách mình sẽ sống. Dù làm ở bất cứ ngành nghề hợp pháp nào cũng cần được tôn trọng và tuyên dương để xã hội có thêm nhiều tấm gương như anh Dũng.

Nhiều người thường có quan niệm sai lầm rằng nhân viên vệ sinh là nghề tầm thường. Nhưng thực tế, bất kì ngành nghề nào, người lao động đã bỏ mồ hôi công sức làm việc chân chính, đều đáng được xã hội coi trọng. CN vệ sinh môi trường còn là người giúp bảo vệ môi trường sạch đẹp, tạo cảnh quan cho xã hội, bởi vậy đây được xem là những “người hùng” thầm lặng của đường phố.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn