MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
UBND TP. Đà Nẵng quyết định đóng cửa 2 nhà máy thép gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đây chưa hẳn là quyết định giúp giải quyết mọi vấn đề. Ảnh: PV

Đà Nẵng dừng hoạt động 2 nhà máy thép ô nhiễm: Nhà máy ngừng, người dân vẫn “mắc cạn”

THUỲ TRANG LDO | 05/03/2018 06:44

Hoan nghênh quyết định của chính quyền thành phố khi cho dừng hoạt động 2 nhà máy thép gây ô nhiễm. Vậy nhưng, nhiều người dân ở thôn Vân Dương, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng sau hơn 1 năm chờ đợi được di dời giải toả nay phải ở lại. Họ đối mặt với ô nhiễm về nguồn nước, không khí, nhà cửa xuống cấp, đất ruộng bỏ hoang. “Chúng tôi như ở thế mắc cạn. Thậm chí, nhà máy có đi rồi thì đời sống vẫn không được yên ổn” – anh Văn Minh, người dân thôn Vân Dương chia sẻ.

Quyết định có vội vàng?

Trở lại thôn Vân Dương 1 và 2 huyện Hoà Vang, Đà Nẵng sau quyết định của thành phố về việc dừng hẳn hoạt động của 2 nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc, người dân chưa hẳn đã quay lại cuộc sống bình thường. “Những ngày qua, nhiều người vẫn hay ngồi lại với nhau, câu chuyện di dời nhà máy và di dời dân vẫn được bàn tán. Dù không còn xôn xao như những ngày trước nhưng ai cũng lấn cấn, chưa được ưng thuận tất cả” - chị Hà, 1 người dân tại đây chia sẻ.

Trước đó, sau nhiều ngày hàng trăm người dân vây 2 nhà máy thép vì bức xúc việc chính quyền liên tục hẹn việc di dời giải toả, chiều tối 2.3, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - đã thông báo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy. Theo đó, Đà Nẵng dừng hẳn mọi hoạt động của 2 nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc, đồng thời thống nhất thu hồi, hủy bỏ chủ trương giải tỏa, di dời các hộ dân tại khu vực lân cận 2 nhà máy.

Quyết định này được cho là “hợp lòng dân” khi thành phố quan tâm đến môi trường, đến người dân. Vậy nhưng, cũng quyết định này lại hoàn toàn trái ngược với những gì chính quyền Đà Nẵng đã thoả thuận cùng người dân và doanh nghiệp trong suốt 2 năm qua. Bởi, lý do chính của việc người dân vây doanh nghiệp, đòi chính quyền đối thoại là vì đầu năm 2017, Đà Nẵng đã có chủ trương thống nhất di dời các hộ dân 2 thôn Vân Dương 1 và 2, đồng thời có kế hoạch di dời nhà máy theo lộ trình. Nhưng người dân chờ đợi hơn 1 năm không thấy gì ngoài những lời hẹn. Vậy nên, câu trả lời của chính quyền vừa qua không chỉ gây sốc với doanh nghiệp mà người dân chưa kịp vui mừng đã thấy ngỡ ngàng.

Dân đi không được, ở cũng không xong

Nhận quyết định không di dời giải toả, hàng trăm hộ dân 2 thôn Vân Dương quay lại cuộc sống trong những căn nhà xuống cấp. Nhiều nhà dân sát nhà máy đã bị bỏ hoang vì không chịu được ô nhiễm, phần khác, họ đợi giải toả theo chủ trương của chính quyền. Nhiều nhà khác cũng không cơi nới hay chỉnh sửa gì được suốt nhiều năm qua.

Ông Nguyễn Bô (80 tuổi), 1 người dân cho hay: “Sau quyết định năm 2017 của thành phố di dời 50% các hộ dân ở 2 thôn, cơ quan chức năng có cử người đến đo đạc, kiểm định nhà cửa đến ruộng vườn. Người dân nghĩ chắc nịch là sẽ được tái định cư nên không gieo trồng, cày cấy gì. Đến cuối năm vẫn chưa nghe được giải toả, nhiều nhà phải trông cậy vào lúa gạo xã cấp tặng. Tình cảnh chờ đợi rất tréo ngoe mà nay nhận quyết định ở lại, chúng tôi cũng như thể “mắc cạn””.

Nhà máy dừng hoạt động, vậy nhưng hệ luỵ về môi trường vẫn đang đe doạ đời sống người dân nơi đây mỗi ngày. “11 năm nhà máy tồn tại ngay sát khu dân cư, mạch nước ngầm tại đây đang gặp vấn đề. Nhiều người trong thôn những năm qua mắc nhiều loại bệnh ung thư mà không rõ nguyên nhân, cũng không có bất kì nghiên cứu hay kiểm tra đánh giá nào về tác động của sự ô nhiễm từ 2 nhà máy về lâu dài. Vui mừng vì thành phố cho dừng 2 nhà máy nhưng chúng tôi cũng không yên tâm về cuộc sống sắp tới” - anh Văn Minh, người dân tại đây chia sẻ. Anh Minh cũng cho biết thêm, yêu cầu nhà máy đóng cửa ban đầu của người dân là để gây sức ép với thành phố về việc phải sớm tìm cho dân nơi an cư mới. Bất ngờ đóng cửa 2 nhà máy, nhiều lao động tại địa phương lúng túng vì mất việc.

Được biết, tổng số nhân công của 2 nhà máy là 1.500 công nhân. Trong số đó, 60 - 65% số công nhân tại 2 nhà máy là con em tại địa phương. “Có gia đình 2 người, 3 người kiếm sống từ công việc tại nhà máy nay mất việc. Đó cũng là thiệt hại cho người dân. Chúng tôi mong đợi ở chính quyền 1 quyết định có tính toán kỹ lưỡng hơn, mang tính lâu dài hơn và tránh thiệt hại cho các bên càng ít càng tốt. Quyết liệt là tốt nhưng phải hợp tình hợp lý” - anh Minh đề đạt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn