MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đà Nẵng buộc phải tăng công suất bãi rác Khánh Sơn trong thời gian chờ đợi 2 nhà máy rác xây dựng. Ảnh: Thùy Trang

Đà Nẵng tìm phương án tăng công suất bãi rác

Thùy Trang LDO | 12/03/2024 10:18

Vừa kêu gọi đầu tư 2 nhà máy xử lý rác với công nghệ phù hợp, hình thức đầu tư xã hội hóa thay vì Nhà nước bỏ tiền ra, Đà Nẵng cũng phải tính toán xây thêm hộc rác, tăng công suất để kéo dài thời gian hoạt động bãi rác Khánh Sơn cho đến khi các nhà máy chính thức đi vào hoạt động.

Xây thêm hộc rác, kéo dài thời gian hoạt động bãi rác Khánh Sơn

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ gia tăng dân số và đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ khiến chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị lớn như Đà Nẵng đang gia tăng cả về khối lượng và chủng loại.

Việc bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu) - bãi rác duy nhất của thành phố quá tải đã tồn tại nhiều năm nay nhưng hiện thành phố chưa thể di dời hay đóng cửa bãi rác vì chưa có phương án xử lý chất thải nào rắn nào khác.

Trước thực tế đó, các chuyên gia thuộc chương trình “Thành phố sạch, đại dương xanh” (CCBO) của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã đề xuất tăng công suất bãi rác Khánh Sơn bằng cách hợp khối các ô rác đã đầy.

Ông Hoàng Minh Giang - đại diện nhóm chuyên gia đến từ CCBO - phân tích, phương án tăng công suất chôn lấp Khánh Sơn nhằm đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải rắn sinh hoạt đến khi triển khai các nội dung khác trong quy hoạch của TP Đà Nẵng.

Giải pháp ông Giang đưa ra là hợp khối ô chôn lấp từ số 1 đến số 5 để tăng khả năng tiếp nhận thêm rác, kéo dài thời gian vận hành bãi rác (dự kiến thêm 2 năm). Bãi rác sẽ được nâng công suất dựa trên cơ sở nâng cao độ. Nếu làm được thì chiều cao ô chôn lấp lên tới 70m (hiện tại là khoảng 50m).

Ông Đặng Quang Vinh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng - cho biết, dự kiến đến năm 2024, Đà Nẵng sẽ giảm được 20% lượng rác khi thực hiện phân loại tại nguồn, nhưng vẫn còn 80% lượng rác cần xử lý.

Hiện nay nhà máy xử lý rác 650 tấn ngày/đêm đã cấp giấy phép đầu tư, nhà máy xử lý rác 1.000 tấn ngày/đêm hiện đang trong quá trình xúc tiến, tìm nhà đầu tư. Tuy nhiên, để 2 nhà máy này đi vào hoạt động và việc phân loại rác tại nguồn thực hiện tốt thì cần rất nhiều thời gian và vẫn còn lượng rác phải chôn lấp. Vậy nên, phương án của các chuyên gia từ CCBO đưa ra sẽ là một trong những lựa chọn được đơn vị cân nhắc, đề xuất thành phố.

Ông Vinh đề nghị các chuyên gia làm chi tiết hơn phương án này để có thể tiếp tục thảo luận thêm trong thời gian tới.

Trước đó, tại kỳ họp chuyên đề của Hội đồng Nhân dân TP Đà Nẵng cuối năm 2023, các đại biểu đã thống nhất việc xây dựng hộc rác số 7 thuộc Dự án Nâng cấp cải tạo một số hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn.

Xin ý kiến chuyên gia về công nghệ xử lý, mời gọi nhà đầu tư

Dù có nhiều phương án nâng công suất bãi rác Khánh Sơn, tuy nhiên Ban Đô thị Hội đồng Nhân dân TP Đà Nẵng cho rằng, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế và đề nghị thành phố cần phải quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng và sớm đưa vào khai thác các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực môi trường nói chung và hoạt động xử lý chất thải nói riêng trong tương lai.

Để làm được điều đó, tại Diễn đàn đô thị TP Đà Nẵng với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới, cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và các quan chức, các hiệp hội và doanh nghiệp từ TP Yokohama (Nhật Bản), ông Lê Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - đã đề nghị các đơn vị hỗ trợ Đà Nẵng lựa chọn công nghệ cho nhà máy xử lý rác.

Hiện Đà Nẵng đang kêu gọi đầu tư 2 dự án xử lý chất thải sinh hoạt với công nghệ đốt rác phát điện, đã cấp phép cho nhà máy 650 tấn/ngày, dự kiến quý III năm 2024 sẽ khởi công, quý IV năm 2024 sẽ đi vào hoạt động. Nhưng 1 nhà máy này là không đủ.

“Đà Nẵng kêu gọi nhà máy 1.000 tấn/ngày, chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản từ lựa chọn công nghệ đến hình thức đầu tư, đặc biệt là hình thức xã hội hóa, trả tiền theo phí dịch vụ” - ông Nam cho hay.

Được biết, hiện có khoảng 7-8 nhà đầu tư đang quan tâm đến dự án nhà máy xử lý rác thải 1.000 tấn. Trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản, đầu tư nhà máy xử lý rác thải và đầu tư cả nhà máy sản xuất trang thiết bị xử lý rác thải.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn