MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đà Nẵng xác định phát triển kinh tế xanh là động lực mới trong thời gian tới. Ảnh: Lê Tuấn

Đà Nẵng xin bán tín chỉ carbon, vừa làm kinh tế xanh vừa thu được tiền

THÙY TRANG LDO | 19/03/2024 15:08

Mặc dù thị trường tín chỉ carbon Việt Nam chưa được hình thành nhưng nhu cầu của thị trường mua bán tín chỉ carbon thế giới lại đang rất cao. Vì vậy, TP Đà Nẵng đã xin thí điểm tham gia bán tín chỉ carbon. Điều này không chỉ giúp thành phố hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh mà còn có được nguồn thu để tái đầu tư.

Nhu cầu thị trường thế giới đang rất cao

TP Đà Nẵng xác định, trên thế giới đã có nhiều tập đoàn, quốc gia thực hiện việc giảm phát thải khí nhà kính và hiện có 2 thị trường mua bán tín chỉ carbon là hệ thống giao dịch phát thải Liên minh châu Âu với 31 quốc gia thành viên, chiếm 45% lượng phát thải ở châu Âu.

Liên minh châu Âu xác định các mức phát thải trần cho cả khối và giảm dần theo năm. Trong giới hạn phát thải trần đó, các đối tượng phát thải được cấp hạn mức, được mua những hạn mức phát thải và có thể bán hạn mức phát thải nếu không dùng hết.

Thị trường thứ 2 là hệ thống mua bán phát thải Trung Quốc được thí điểm từ năm 2011 đến năm 2015. Kết quả của quá trình thí điểm là 57 triệu tấn carbon đã được mua bán tại 7 tỉnh thành.

Theo các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu thì trong tương lai, các quốc gia, các chủ thể có phát thải khí nhà kính sẽ lựa chọn thị trường carbon quốc tế để giao dịch, trao đổi tín chỉ. Và thỏa thuận Paris 2015 có gần 200 quốc gia đã tán thành mục tiêu toàn cầu là hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình ở mức lý tưởng là 1,5 độ C bằng cách cắt giảm 50% mức phát thải khí nhà kính hiện tại vào năm 2030, giảm xuống mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Như vậy, động lực giao dịch thị trường carbon quốc tế đang trên đà tăng cao.

Vừa phát triển kinh tế xanh vừa thu được ngân sách

Hiện nay, TP Đà Nẵng đang xây dựng quy trình quản lý và kiểm kê khí nhà kính để triển khai trong toàn hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia nhằm giảm cường độ phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh.

Nếu được thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, Đà Nẵng sẽ phối hợp với các bộ, chuyên gia xác định tỉ lệ đóng góp về lượng giảm phát thải/ hấp thụ khí nhà kính trên địa bàn thành phố cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia trước khi giao dịch tín chỉ carbon.

Trên cơ sở đó, thành phố sẽ bán tín chỉ carbon cho bên mua (bán trực tiếp hoặc qua trung gian) để bên mua bù đắp lượng khí thải cam kết phải loại bỏ theo quy định.

TP Đà Nẵng dự kiến tạo ra tín chỉ carbon từ một số chương trình, dự án giảm phát thải trong lĩnh vực năng lượng với các biện pháp bao gồm: tăng tỷ trọng thâm nhập của các thiết bị sử dụng năng lượng hiệu suất cao trong các lĩnh vực công nghiệp, dân dụng, thương mại và giao thông vận tải; tái cấu trúc thị trường giao thông, chuyển đổi nhiên liệu phương tiện giao thông, xúc tiến sử dụng các phương tiện xe điện.

Trong các lĩnh vực thì công nghiệp tại TP Đà Nẵng sẽ là ngành có tiềm năng giảm phát thải lớn nhất. Đến năm 2050, lĩnh vực này khi áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính có thể giảm tới 16,55 triệu tấn CO2.

Lĩnh vực công nghiệp tại Đà Nẵng sẽ dần đi theo hướng xanh hóa, giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: Nguyên Thi

Xếp tiếp theo là lĩnh vực dịch vụ và thương mại, dân dụng. Tổng tiềm năng giảm phát thải của 3 lĩnh vực thuộc nhu cầu sử dụng năng lượng trừ giao thông vận tải đến năm 2030 có thể giảm tới khoảng 865 nghìn tấn CO2, con số này đến năm 2050 là 26,17 triệu tấn CO2.

Việc tham gia thị trường tín chỉ carbon sẽ bổ sung nguồn lực để thành phố bố trí cho các chương trình, dự án carbon thấp trên địa bàn; tuyên truyền sâu rộng hơn về định hướng, hành động của thành phố đối với việc sản xuất kinh doanh định hướng thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và thu hút đầu tư nước ngoài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn