MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuyên gia môi trường khuyến cáo không đốt rơm, rạ để bảo vệ môi trường. Ảnh: Sơn Tùng

Đâu là giải pháp để Hà Nội không còn khói rơm rạ gây ô nhiễm môi trường?

Phạm Đông LDO | 26/09/2020 18:11
Đốt rơm, rạ sau thu hoạch là thói quen lâu đời của người dân. Tuy nhiên, theo các chuyên gia hành vi đốt rơm rạ bừa bãi là một trong những nguyên nhân khiến môi trường không khí ở Hà Nội trở nên ngột ngạt, ô nhiễm.

Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu và chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.

Nói về việc sẽ xử phạt nghiêm người dân đốt rơm rạ, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, khi đốt rơm rạ, một lượng bụi mịn có đường kính nhỏ sẽ đi sâu vào phổi, máu của người hít phải. Chính điều này sẽ gây nên các bệnh về đường hô hấp cấp tính và mạn tính.

Theo ông Tùng, nếu như với ô nhiễm bụi bình thường, dùng khẩu trang có thể ngăn chặn được, còn với bụi mịn, khẩu trang cũng vô ích.

Ông Tùng cũng cho rằng, nguyên nhân chính hiện nay là do thói quen của người dân từ xưa là đốt rơm, rạ tại ruộng. Hơn nữa, nhận thức của người dân về tác hại của việc đốt rơm, rạ gây ô nhiễm môi trường không khí còn hạn chế. Ngoài ra, do điều kiện kinh tế của người dân còn hạn chế nên việc triển khai các biện pháp xử lý rơm, rạ, nhất là việc dùng chế phẩm sinh học để phân hủy gặp nhiều khó khăn.

"Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền về tác hại của việc đốt rơm, rạ đến môi trường và sức khỏe con người; khuyến khích các mô hình sản xuất sử dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp; xây dựng tiêu chí thi đua, khen thưởng cho các địa phương làm tốt công tác thu gom, xử lý rơm rạ hiệu quả. Ngoài ra, cần xử lý nghiêm đối với hành vi cố tình đốt rơm, rạ" - ông Tùng nói.

Thói quen đốt rơm rạ của người dân “lợi ích hại nhiều” khi nó tác động tiêu cực đến môi trường. Ảnh: Quang Hùng

Để ngăn chặn tình trạng đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch lúa, mới đây UBND huyện Sóc Sơn chủ trương xử phạt nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết, cùng với thông tin, tuyên truyền, huyện cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập tổ công tác gồm công an xã chủ trì, phối hợp với nhân viên môi trường, địa chính và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức kiểm tra, nhắc nhở. Kiên quyết lập biên bản xử lý vi phạm đối với các đối tượng cố tình đốt rơm rạ theo Nghị định số 167 của Chính phủ.

Nhiều nông dân cũng cho rằng, việc đốt rơm rạ mang lại nhiều tiện lợi như không tốn công xử lý rơm rạ trên đồng ruộng sau khi thu hoạch, đồng thời tiêu diệt được mầm mống dịch hại...

Tuy nhiên, việc đốt rơm, rạ ngay trên đồng ruộng không chỉ làm ảnh hưởng tới môi trường sống, sức khỏe con người mà còn gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông, làm mất chất dinh dưỡng của đất, tiêu diệt các loại thiên địch có ích, dẫn đến phát sinh nhiều dịch bệnh hại lúa.

Cũng theo UBND huyện Sóc Sơn, việc đốt rơm rạ là nguyên nhân gây thoái hóa đất và ô nhiễm môi trường, đặc biệt ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân. Trên địa bàn huyện, những năm qua tình trạng này vẫn diễn ra khá phổ biến, dù địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không đốt rơm rạ sau thu hoạch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn